Theo Thông báo 334/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022.

Ngày về gần lại…

Theo thông báo này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kết luận: Đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ). Các chuyến bay được khai thác trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Đây không chỉ là tin vui đối với ngành hàng không, du lịch mà còn với rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài chưa thể về thăm người thân, gia đình trong suốt 2 năm qua.

Ngóng ngày bay quốc tế thường lệ trở lại - Ảnh 1.

Hành khách trên chuyến bay thẳng đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam Ảnh: BÌNH AN

Chị Trần Đặng Như Quỳnh, ở tiểu bang Maryland – Mỹ, cho hay nếu mở lại đường bay quốc tế thường lệ, chị sẽ là người “săn” vé đầu tiên. Mấy ngày qua chị có nghe thông tin về việc này nhưng chưa chắc chắn. Đã 2 năm, chị và các con chưa được về Việt Nam thăm gia đình. “Bên này bà con ai cũng mong ngóng đường bay quốc tế thường lệ được mở lại để về thăm nhà. Mọi người vẫn chờ đường bay thương mại được nối lại, giá vé máy bay giảm” – chị Quỳnh nói.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, người cũng bị kẹt lại Canada gần 2 năm qua, cho biết đang rất quan tâm với việc mở đường bay quốc tế thường lệ trở lại. Đây cũng là tâm trạng chung của rất nhiều Việt kiều, người Việt đang sống, làm việc ở Mỹ, Canada… thời gian qua. Trước dịch, vé máy bay một chiều giữa Việt Nam và Canada chỉ khoảng 650 USD/chặng (tương đương 15 triệu đồng). Nhưng hiện tại, muốn về Việt Nam, người dân phải bỏ ra gần 5.000 USD gồm vé máy bay, chi phí cách ly tại khách sạn – gấp nhiều lần so với trước dịch.

Động lực cho hàng không, du lịch hồi phục

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động từ các công ty du lịch chuyên làm dịch vụ visa cho khách, nhu cầu làm visa đi nước ngoài hoặc đặt vé máy bay, tour trọn gói để hồi hương của du khách rất lớn.

Bà Phạm Thị Hoài Thu, Giám đốc Công ty Du lịch Intertour Việt Nam, cho biết hiện khách hỏi chi phí vé máy bay, tour hồi hương tăng cao nhưng phần lớn đều ngại phải cách ly tập trung. Như giá vé bay thẳng từ Mỹ về TP HCM hiện tại khoảng 90-100 triệu đồng gồm cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn. Nếu quá cảnh ở Hàn Quốc và cách ly tại Nha Trang (Khánh Hòa) thì rẻ hơn khoảng 70 triệu đồng…

Chi phí là một chuyện, vấn đề là khách ngại cách ly tập trung, nếu có chính sách cho họ theo dõi tại nhà thì sẽ ổn hơn. Vì vậy, chỉ trừ những khách có công việc thật sự quan trọng tại Việt Nam hoặc không còn trụ lại được nữa ở nước ngoài thì họ mới buộc phải đặt vé về. “Việc mở cửa tuy là cần thiết để khôi phục kinh tế, giúp đi lại, giao thương thuận lợi nhưng cần có biện pháp cụ thể và tối ưu khi đón khách nước ngoài, đặc biệt là có quy trình cụ thể để các doanh nghiệp (DN) nắm bắt và xử lý kịp thời trong trường hợp phát sinh sự cố, như có F0 chẳng hạn” – bà Thu nêu.

Tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” mới đây, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng khi tỉ lệ tiêm vắc-xin ở địa phương đã đủ cao, như TP HCM, Hà Nội tỉ lệ tiêm vắc-xin còn cao hơn Mỹ, cao hơn châu Âu, gần bằng Singapore… thì còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa ngành du lịch. Đến nay, vắc-xin là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo nghị quyết của Chính phủ.

Ông Lương Hoài Nam dẫn chứng, hiện giữa Hà Nội và TP HCM có hàng chục chuyến bay mỗi ngày cho hành khách nội địa đã tiêm vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính. Hành khách không cần xin phép di chuyển, đến nơi không phải cách ly. Nhưng đối với người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm vắc-xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và cách ly tập trung. Điều này là một rào cản và có phần vô lý.

“Cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở lại những đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương (thủ tục quá khó, chuyến bay quá ít, giá vé quá đắt) và không bắt buộc cách ly tập trung hành khách người Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vắc-xin (hoặc đã bị mắc Covid-19 và hồi phục), có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi bay. Trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng người lớn không cần có chứng chỉ vắc-xin” – ông Lương Hoài Nam đề xuất giải pháp mở lại đường bay quốc tế thường lệ và không cần cách ly tập trung nếu khách đáp ứng quy định. 

Công nhận “hộ chiếu vắc-xin”

Để chuẩn bị cho việc mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, DN và người dân.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm. Các bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không…

Ông ĐẶNG ANH TUẤN, Trưởng Ban Truyền thông Vienam Airlines:

Kiến nghị nhập cảnh không cách ly

Chính phủ các quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ bỏ các hạn chế nhập cảnh và không thực hiện yêu cầu cách ly tập trung đã giúp thị trường hàng không tại hai khu vực này phục hồi nhanh chóng, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong việc thu hút khách du lịch và hồi phục hoạt động đầu tư. Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang gấp rút triển khai chương trình để dần mở cửa lại khai thác quốc tế, nới lỏng các quy định về cách ly nhằm thu hút khách quốc tế.

Vietnam Airlines cho rằng cần sớm mở cửa các hoạt động vận tải hành khách quốc tế, nới lỏng hạn chế nhập cảnh, quy định về cách ly. Nếu triển khai chậm sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà thậm chí quan trọng hơn là mất lợi thế với các nhà đầu tư.

NGUYỄN NGUYỆT VÂN KHANH, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Vietravel:

Tận dụng để đón khách quốc tế cho hè 2022

Nếu muốn đón khách quốc tế trong giai đoạn hè 2022, Việt Nam phải chính thức mở cửa và nới lỏng điều kiện đón khách (nhận khách từ các chuyến bay thương mại quốc tế, khách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin không phải cách ly). Kỳ vọng khách quốc tế đến vào thời điểm hè 2022 sẽ là các thị trường gần, như Đông Nam Á hoặc Đông Bắc Á. Khách châu Âu, hay Mỹ cần từ trên 6 tháng để làm công tác tiếp thị và tập trung.

Việc chưa mở cửa đón khách quốc tế trên các chuyến bay thương mại đến thời điểm này là rào cản rất lớn với những du khách có nhu cầu du lịch thật sự. Như chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc-xin chưa thực sự tạo thuận lợi cho khách, khi 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chưa được đón khách quốc tế, thị thực Việt Nam chỉ cấp theo đúng số ngày tham quan ở 5 địa phương thí điểm, rất khó đáp ứng nếu di chuyển sang nơi khác.

Ông NGUYỄN HOÀNG TÙNG, Giám đốc điều hành Công ty Hải Lâm Travel:

Cần quy trình đồng bộ, thống nhất xử lý F0

Chính phủ cần có quy trình xử lý, bộ quy tắc ứng xử và quy trình phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các chính quyền địa phương khi xảy ra trường hợp F0 mới (thường xảy ra trong các chuyến công tác của đoàn thể, các tour của DN lữ hành đưa khách đi du lịch tại các địa phương…). Tất cả đều cần thống nhất áp dụng để vừa an toàn và không nặng nề, tạo sự kỳ thị cho du khách hay người đến làm việc từ địa phương khác.

Cần có sự tuyên truyền rõ ràng đến từng người dân (nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hải đảo) để người dân hiều và không còn quá lo lắng, e ngại… Có như vậy, việc mở cửa trở lại đối với cả hàng không, du lịch trong nước và quốc tế sẽ tốt hơn.