Hồi kết cho các biện pháp phòng dịch Covid-19?

Theo Tạp chí Nikkei, những đối tượng được ưu tiên nhập cảnh là người lao động và sinh viên nước ngoài.

Quyết định của chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau nhiều chỉ trích của giới học thuật và lãnh đạo doanh nghiệp. Họ cho rằng những kiểm soát được áp đặt từ cuối tháng 11-2021 kể trên (khi biến thể Omicron bắt đầu lây lan) đã cản trở nhiều sinh viên quốc tế đến Nhật Bản và một số trong đó chuyển hướng sang các nước khác như Hàn Quốc.

Người dân qua lại một nhà ga ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 9-2 Ảnh: REUTERS

Nới lỏng các biện pháp phòng dịch cũng là con đường mà nhiều quốc gia đang theo đuổi, bất chấp thực tế là Covid-19 chưa hạ nhiệt.

Theo hãng tin Bloomberg, sau hơn 2 năm đảo lộn, các nước đang hối hả “tái khởi động”, kể cả nước vốn thận trọng như Đức cũng lên kế hoạch đảo ngược các hạn chế từ tuần tới dù số ca mắc mới hằng ngày vẫn cao kỷ lục.

Bắt đầu từ ngày 12-2, Pháp bãi bỏ quy định tất cả người nước ngoài đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn phải trình xét nghiệm âm tính khi đến nước này.

Đi trước những nước trên, Na Uy và Đan Mạch đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế phòng dịch trong khi Thủ tướng Boris Johnson thông báo những hạn chế cuối cùng ở Anh sẽ chấm dứt vào cuối tháng 2. Các quy định tự cách ly tại Nam Phi, nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên, cũng đã được hủy bỏ.

Nhiều chuyên gia lo ngại một số chính phủ đang hành động quá vội vã. TS Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng tại Tổ chức Y tế thế giới, cảnh báo xu hướng dỡ bỏ mọi biện pháp phòng dịch.

Tương tự, TS Richard Hatchett của Na Uy chỉ ra vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể Covid-19 mới, kể cả những đại dịch khác. Do đó, theo TS Hatchett, các nước cần mở rộng xét nghiệm tại nhà, cải thiện hệ thống thông gió của các tòa nhà công cộng, tăng cường truy vết biến thể và “nâng cấp” vắc-xin, thuốc điều trị.


Hải Ngọc