Từ 9/3, học sinh lớp 9 và 12 ở Hà Nội đã bắt đầu học và ôn luyện các môn phục vụ tuyển sinh qua truyền hình. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 9/3, gần 200.000 học sinh lớp 9, 12 của Hà Nội đã bắt đầu học qua truyền hình 9 môn học cơ bản. Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 – 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2019 – 2020.
Các môn học qua truyền hình bao gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Phản ứng của các phụ huynh sau ngày đầu tiên Hà Nội tổ chức các buổi học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 là rất tích cực.
Trả lời báo An ninh Thủ đô, chị Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu giấy cho biết: “Tôi đã dự buổi học đầu tiên cùng con với môn Văn lớp 12 do giáo viên trường THPT Chu Văn An giảng. Buổi học qua truyền hình khá hấp dẫn, tôi là dân khoa học tự nhiên nhưng nghe cô giáo giảng thấy rất hay, cuốn hút, dễ hiểu.
Đây là hình thức cần được phát huy với các cấp học trong tình hình nghỉ học vì Covid-19 chưa biết sẽ kéo dài đến đâu”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn làm sao để việc học trên truyền hình được hiệu quả vì khó kiểm duyệt hơn là học trực tuyến có thể nhìn thấy con số qua lượt truy cập của từng tài khoản của mỗi học sinh.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học và triển khai dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trên sóng truyền hình. Cụ thể, tại TP.HCM, học sinh lớp 9 ôn tập môn Văn, Toán, Tiếng Anh; lớp 12 ôn Toán, Lý, Hoá trên kênh HTV Key, từ ngày 24/2. Chương trình được Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện nhằm giúp học sinh cuối cấp ôn tập trong thời gian nghỉ tránh dịch.
Sở GD&ĐT An Giang cũng đã phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I, năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và học sinh lớp 12 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân).
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định dạy học qua truyền hình là giải pháp chủ động trước thực tế học sinh có thể nghỉ dài hơn do dịch bệnh.
“Các trường có điều kiện dạy online là rất tốt, nhưng phương pháp này có thể không phù hợp với những học sinh ở vùng khó khăn. Dạy học qua truyền hình có thể áp dụng đại trà, giúp chương trình học không bị chậm”, ông Khuyến nói với VnExpress.
Theo Bộ GD&DT, tính đến 15h30 ngày 8/3, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15/3. Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Sơn La và Tiền Giang cho toàn bộ học sinh từ mầm non tới THPT, giáo dục thường xuyên nghỉ học đến hết ngày 15/3.
Hiện cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THPT đi học trở lại từ 9/3, riêng Tuyên Quang, Vĩnh Long chỉ cho học sinh khối 12 đi học.
Đối với giáo dục đại học, có 54 cơ sở dự kiến nhập học từ ngày 9/3 và 24 cơ sở nhập học từ ngày 16/3. Hiện còn 24 trường đại học chưa có kế hoạch đi học trở lại trong tháng 3/2020.