Tổng giám đốc Vietcombank nói không hạn chế cấp tín dụng cho bất động sản

Tính đến 31-12-2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này. Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 17-2.

Theo ông Tùng, tại Vietcombank, lĩnh vực bất động sản được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc, đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng khách hàng cũng như sản phẩm trên thị trường. Vietcombank cũng thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực bất động sản.

Tổng giám đốc Vietcombank nói không hạn chế cấp tín dụng cho bất động sản - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Về định hướng tín dụng, ông Tùng cho biết Vietcombank định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngân hàng này cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi.

Đối với lĩnh vực bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết trong thời gian qua, để hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp như cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, áp dụng lãi suất ưu đãi đối với với các khoản vay mới, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hành và cho vay mới để duy trì, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khách hàng trong các phân khúc này vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển.

Về định hướng thời gian tới cho phân khúc bất động sản vừa nêu, Vietcombank định hướng cấp tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.

Đối với bất động sản đất ở, nhà ở, tại Vietcombank hơn 90% dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch…

Tổng Giám đốc Vietcombank nhấn mạnh ngân hàng này định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc bất động sản đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.

Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh đến sự thay đổi về văn bản pháp lý, chính sách quy định liên quan qua các thời kỳ. Theo ông Tùng, một số vấn đề đã phát sinh trên thực tế như một số dự án đã được cấp phép, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… nhưng vẫn bị thu hồi dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Về giá nhà đất ở Việt Nam, ông Tùng đánh giá vẫn ở mức cao hơn so với thu nhập của phần đông người dân, chưa phù hợp với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phân khúc để đầu tư của các chủ đầu tư chưa hợp lý dẫn đến dư cung tại các phân khúc cao cấp nhưng thiếu đối với phân khúc bình dân.

Những tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng bất động sản, theo ông Tùng, đã ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nói riêng. Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết việc huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản hiện cũng gặp nhiều khó khăn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu để tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản, qua đó giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.

Về vấn đề pháp lý cho các dự án bất động sản, Tổng Giám đốc Vietcombank kiến nghi cần rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Lãnh đạo Vietcombank cũng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường thông qua các giải pháp về quản trị, tiết giảm chi phí. Cùng với đó, thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết từ đầu năm 2023, ngân hàng này đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu. Vietcombank tiếp tục giảm toàn bộ các phí giao dịch trực tuyến cho các khách hàng thể nhân trong năm 2023.

Đối với lĩnh vực bất động sản, để giải quyết nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietcombank cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước khác triển khai Gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.


Văn Duẩn – Minh Phong