Bóc tách những điểm “vướng”

Cuộc làm việc diễn ra tại Hà Tĩnh, do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng với các thành viên thuộc Tổ công tác số 1 về giải ngân vốn đầu tư công đã về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với lãnh đạo 5 tỉnh, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đã có cuộc làm việc với 5 tỉnh Bắc Trung bộ về công tác giải ngân vốn đầu tư công 2022.
Ngày 17/5, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 đã có cuộc làm việc với 5 tỉnh Bắc Trung bộ về công tác giải ngân vốn đầu tư công 2022.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; nêu một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm và các giải pháp cụ thể với lộ trình thực hiện trong từng tháng, từng quý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao 5 địa phương là 29.032,404 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã phân bổ, giao chi tiết toàn bộ số vốn nêu trên cho từng nhiệm vụ, dự án. Tính đến ngày 15/5, có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (20,27%) là Hà Tĩnh (6,83%), Quảng Bình (12,51%%), Quảng Trị (10,37%).

Theo chia sẻ từ Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội cả nước đang trên đà phục hồi, đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn thấp, tiến độ chậm.

Ước tính từ 1/1/2022 đến 31/5/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 về việc thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tính đến ngày 15/5, có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (20,27%) là Hà Tĩnh (6,83%), Quảng Bình (12,51%%), Quảng Trị (10,37%).
Tính đến ngày 15/5, có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (20,27%) là Hà Tĩnh (6,83%), Quảng Bình (12,51%%), Quảng Trị (10,37%).

Gợi ý thảo luận, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ; báo cáo những dự án có khả năng giải ngân nhanh để thực hiện điều chuyển vốn. Trường hợp có vướng mắc về cơ chế, chính sách, các đơn vị cần kiến nghị rõ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

Báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Hà Tĩnh năm 2022 được phân bổ và giao chi tiết đến ngày 6/5/2022 là 6.958,133 tỷ đồng, vượt 169,5 tỷ đồng so với số Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, hiện Hà Tĩnh còn 180,5 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 chưa phân bổ chi tiết. Đây là phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa được hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến đến ngày 30/5/2022 sẽ hoàn thành và phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022.

Việc triển khai phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đảm bảo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền thông qua.

Tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 15/5/2022 đạt hơn 407 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch (nếu loại trừ khoản vốn bố trí để thu hồi ứng trước thì tỷ lệ giải ngân đạt 11% kế hoạch).

Hà Tĩnh cũng có những kiến nghị với Chính phủ, như: Hỗ trợ nguồn vốn thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới; cần giao danh mục mức vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; ban hành thông tư hướng dẫn về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 và một số nội dung quan trọng khác.

Ngoài Hà Tĩnh, một số địa phương khác như Quảng Trị, Nghệ An… cũng đã báo cáo về những khó khăn, điểm nghẽn khiến việc giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện tại không đạt như mong đợi.

Theo các địa phương, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do thời tiết không thuận lợi, việc thi công gặp nhiều khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù; vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá cả tăng cao; công tác tổ chức, lãnh đạo thực hiện ở một số đơn vị còn thiếu quyết liệt; một số chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực…

Nhiều đề xuất sát thực tế

Cụ thể, một số đề xuất về thể chế, các địa phương đề xuất Trung ương xem xét, sửa đổi một số quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Khoáng sản, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương sớm giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 và các năm trước sang năm 2022; có phương án hỗ trợ cho các nhà thầu khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao…

Một số địa phương đưa ra giải pháp nhằm “gỡ nghẽn” mạch giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Hà Tĩnh cho rằng sẽ thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do các lãnh đạo UBND làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm rà soát, xử lý những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến triển khai, giải ngân và quản lý chất lượng công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lập đường găng tiến độ đối với từng dự án cụ thể…

 “Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, coi việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương”, Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất cấp bách, trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đến nay cơ bản thấp, do đó, từ nay đến cuối năm, tổng vốn ngân sách nhà nước phải giải ngân ở các địa phương là rất lớn. Các tỉnh hiện đã cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân 100% số vốn, vì vậy, cần sớm vào cuộc xử lý những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, Phó thủ tướng chỉ đạo.