Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế – xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/ 2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố đã trải qua những ngày tháng khốc liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã tăng cường, dồn sức với tốc độ nhanh nhất để kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 9/2021.

a
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: TTBC

“Quý III/2021 tăng trưởng của thành phố chạm đáy mà quý I/2022 GRDP tăng 1,88% so với cùng kỳ là con số bất ngờ. Một khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi”, Bí thư Nên nói và đồng thời lưu ý thành phố còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đề nghị từng cá nhân, đơn vị phải nỗ lực, bám vào Nghị quyết 128 của Chính phủ về sống thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho rằng, nền kinh tế Việt Nam và TP.HCM hội nhập sâu rộng nên sẽ bị ảnh hưởng trước những biến động của thế giới, trong đó có xung đột Nga – Ukraine.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nơi, nhiều nước vẫn thực hiện chiến lược “zero covid” nên TP.HCM khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng, gây áp lực tăng giá hàng hóa. Đó là chưa kể lạm phát cũng có dấu hiệu gia tăng, giá dầu thế giới còn cao, tác động đến TP.HCM.

Do đó, ông đề nghị Thành phố cần dự báo sớm tình hình để có cách ứng phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, bình ổn giá tạo tâm lý yên tâm cho người dân.

Ông Nên cũng cho biết vừa qua báo chí có đưa tin về việc 400 nhân viên y tế nghỉ việc trong quý 1. Đây là vấn đề khó tránh khỏi nhưng Thành phố phải cố gắng ban hành chính sách để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, sắp tới Thành phố còn nhiều việc để làm, nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng tới đây là triển khai chiến lược nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo, chỉnh trang nhà ở ven kênh, rạch…

“Có người hỏi tôi bình yên trở lại thì làm gì? Tôi nói: xây nhà để ở”, ông nói và đồng thời yêu cầu Thành phố đẩy nhanh tiến độ việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội này theo chương trình, kế hoạch thành phố đã đề ra.

Về vấn đề đất đai, Bí thư Thành ủy đề nghị rút kinh nghiệm việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua để những buổi đấu giá sắp tới đảm bảo đúng quy định và đạt hiệu quả cao.

Báo cáo trước đó, Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, để bảo đảm thu ngân sách 2022, thành phố không được chủ quan trước những diễn biến dịch hiện hữu dù khởi đầu khá tốt. Trong đó, cần tận dụng các chính sách của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, nếu không kích thích mạnh mẽ về đầu tư thì ảnh hưởng đến thu ngân sách và nhiệm vụ chi.

Về sử dụng nguồn lực đất đai, bà Hà nhìn nhận hiện vẫn còn nhiều dự án, khu đất đã có quyết định giao đất rồi nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoặc có những địa chỉ nhà đất đã giao sử dụng nhưng chưa ký kết hợp đồng thuê đất.

“Đó là nguồn lực hiện hữu trong tay chưa khai thác được hết”, bà Hà nói, đồng thời cho rằng cần tập trung tháo gỡ các lĩnh vực này để có nguồn thu ngay trong năm nay.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết Thành ủy và UBND TP.HCM đã yêu cầu tập trung kiểm kê nhà đất công, nhiều phương án sắp xếp được triển khai. Sắp tới, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Xây dựng đẩy mạnh các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, phát huy nguồn lực và tài sản nhà đất công.

“Đối với các địa chỉ đã có phương án bán đấu giá thì các đơn vị tập trung thực hiện”, bà Hà nói.