.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự..

Chiều 26/10, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Trình bày cơ sở pháp lý, ông Giang nói, nhiều quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng được quy định bằng văn bản dưới luật, có văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng do chưa đủ điều kiện nên trước mắt đã ban hành nghị định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Những quy định này chưa bảo đảm nguyên tắc hiến định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

Với cơ sở pháp lý, Bộ trưởng nêu rõ, thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả.

Như, giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế,… Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp (giai đoạn tiền khẩn cấp) cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Dự thảo quy định 4 cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng; cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Ở cấp độ 3 thì được áp dụng một số biện pháp cách ly tập trung, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn.

Hạn chế hoặc tạm dừng một số hoặc tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, hoạt động văn hóa nghệ thuật, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Hạn chế hoặc tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nếu thấy cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hạn chế hoặc tạm dừng các chuyến vận chuyển thông thường bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ ra vào địa bàn xảy ra thảm họa, sự cố.

Tạm dừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Thẩm tra, Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định phòng thủ dân sự cấp độ 4 (tình trạng khẩn cấp), vì các biện pháp ứng phó đã được pháp luật về tình trạng khẩn cấp điều chỉnh hoặc sẽ phải sửa nội dung này khi xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp.

Uỷ ban thẩm tra cho rằng, việc phân loại 4 cấp độ là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Trên cơ sở phân loại cấp độ này, để điều chỉnh thống nhất hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.

Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng các nội dung này; quy định cả phạm vi xảy ra và hậu quả thiệt hại của thảm họa, sự cố để xác định cấp độ phòng thủ dân sự phù hợp để vận hành, kích hoạt các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

Theo chương trình kỳ họp thứ tư, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 1/11.