Hơn 2 năm nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và tại TP HCM nói riêng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ngành y tế TP HCM lại tiếp tục đứng trước 3 thách thức lớn, gồm: dịch chồng dịch, thiếu thuốc – vật tư y tế và thiếu nguồn nhân lực y tế công lập.

Đối diện 3 nguy cơ

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào chính thức công bố đã chấm dứt được dịch Covid-19. Tuy dịch đã được kiểm soát nhiều tháng qua nhưng các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên toàn thế giới. Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Dịch Covid-19 chưa chấm dứt nhưng TP HCM đang đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Tại các tỉnh, thành phía Nam và TP HCM nói riêng, số ca mắc sốt xuất huyết mới, số ca nặng tăng; số tử vong chưa có dấu hiệu dừng lại.

Y tế TP HCM: Hóa giải những thách thức - Ảnh 1.

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao nhưng nhân lực y tế công lập ở TP HCM đang giảm

Theo ông Tăng Chí Thượng, nỗi lo thứ 2 là thiếu thuốc – vật tư y tế. Thực trạng này không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn TP HCM và cả nước. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa.

Nguy cơ thứ 3 là TP HCM đang đối mặt tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Theo thống kê, chỉ 6 tháng đầu năm 2022, TP HCM đã có 874 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng năm 2021, hơn 1.154 cán bộ, nhân viên y tế đã xin rời khỏi ngành vì áp lực công việc. Tổng cộng ở TP HCM trong 2 năm qua, 2.028 người đã nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng – chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Trước nguy cơ dịch chồng dịch, PGS Tăng Chí Thượng khẳng định đến thời điểm này, cả 2 dịch bệnh đều đã có giải pháp phòng ngừa. Trong đó, đẩy nhanh hơn nữa tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi bổ sung và nhắc lại (mũi 3 và 4). Ngành y tế TP HCM sẽ kéo dài chiến dịch tiêm vắc-xin mũi nhắc lại đến hết tháng 7-2022 và tổ chức tiêm tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Các quận, huyện trên địa bàn cũng phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Đối với dịch sốt xuất huyết, TP HCM tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa việc diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa bệnh. Cùng với đó, sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 – 6.000 ca mắc sốt xuất huyết với 3 tình huống cụ thể.

Ngoài ra, Sở Y tế TP HCM còn cập nhật, bổ sung ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến thanh tra sở và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết, bằng cách chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng. Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý.

Đối với nguy cơ thiếu thuốc – vật tư y tế, ngành y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Đồng thời, sở kiến nghị lãnh đạo TP HCM cho phép thành lập trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế thành phố, dự kiến trong tháng 7-2022 sẽ đi vào hoạt động. Trong thời gian chờ thành lập trung tâm, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bảo đảm cung ứng thuốc – vật tư y tế cho người bệnh bằng nhiều hình thức; sử dụng có hiệu quả vật tư, thiết bị y tế được phân bổ từ các bệnh viện dã chiến giải thể.

Về nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập, ngành y tế TP HCM đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60/2021 (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị công lập). 

Lập tổ công tác chuyên trách về tình trạng thiếu thuốc

Sở Y tế vừa kiến nghị UBND TP HCM hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong khâu cấp cứu người bệnh. Sở Y tế cũng đã thành lập tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ hoạt động khám chữa bệnh.