Bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định có 2 nguyên nhân. Về khách quan, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung bị đứt gãy, trong khi người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh sau dịch tăng cao. Việc dự trù thuốc của các bệnh viện không đáp ứng kịp khi khâu mua sắm theo gói thầu phải mất 3-6 tháng. Về nguyên nhân chủ quan, những sự cố gần đây liên quan đấu thầu, mua sắm dẫn đến tâm lý e ngại, sợ sai sót. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này thì nên xem xét lại quy trình đấu thầu thuốc vào các bệnh viện.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, chúng ta đang đấu thầu thuốc theo hình thức các bệnh viện căn cứ số lượng tiêu thụ, danh mục hằng năm để lên kế hoạch mua sắm, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Giá trúng thầu năm trước trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Đặc biệt, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch – có nghĩa là qua từng năm thì giá này sẽ thấp dần.

“Qua nhiều lần đấu thầu, giá trị viên thuốc còn lại bao nhiêu? Điều này cũng gây hại cho sự phát triển của công nghiệp dược, khó phát triển bền vững bởi không thể phát triển những mặt hàng chất lượng khi giá cả càng lúc càng thấp. Tôi không cho là thuốc đắt thì tốt nhưng tôi chắc chắn rằng thuốc rẻ sẽ kém chất lượng và cuối cùng bệnh nhân sẽ là người gánh chịu thiệt thòi” – PGS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Đối với thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do chế độ đãi ngộ, lương thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ngay cả những bệnh viện lớn, tuyến cuối còn xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc thì đối với những cơ sở y tế nhỏ, việc này càng khó khăn hơn, nhất là y tế cơ sở. Tại TP HCM, Sở Y tế cũng đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, trong đó có trợ cấp đãi ngộ về hệ số lương cho cán bộ, nhân viên. Nhưng hiện nay, nhiều y – bác sĩ chưa nhận được đồng nào bởi còn vướng các thủ tục giấy tờ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc đãi ngộ phải rõ ràng, rành mạch. Nếu là nhân viên y tế trong hệ thống công lập thì phải cụ thể hệ số lương là bao nhiêu, hệ số vùng miền trợ cấp thế nào? Ở TP HCM, nhiều bác sĩ còn có thu nhập thêm từ phòng khám, lấy cái này nuôi cái kia. Tuy nhiên, ở y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa thì sao? Nếu thiếu bác sĩ, bệnh nhân sẽ đổ dồn về tuyến cuối, lại dẫn đến quá tải.

Thuốc – vật tư y tế và nhân lực đều liên quan chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, bệnh viện muốn hoạt động tốt thì cần phải có bác sĩ giỏi đi kèm với trang thiết bị hiện đại, thuốc chất lượng. Điều này cũng liên quan đến cơ chế bệnh viện tự chủ. Khi chuyển qua cơ chế kinh tế thị trường, cần rút ra bài học không thể bao cấp như trước nên mới phải đưa ra mô hình bệnh viện tự chủ.

“Tuy là tự chủ nhưng về tài chính có tự chủ được không? Từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, đặt máy móc, thuốc…, tất cả phải theo quy trình rất nghiêm ngặt. Tóm lại, cái gì cũng phải xin. Bệnh viện tự chủ là phải làm sao cho họ phát huy được chất xám để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời cải thiện đời sống y – bác sĩ” – PGS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.