Quốc tế Thiếu nhi năm nay (1-6), Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Về mặt nào đó, đây có thể gọi là món quà cho tương lai các em nhỏ, bởi các em chính là đối tượng thụ hưởng các tác động từ Chỉ thị.

Ở phía ngược lại, “món quà” ấy giúp các phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục tỉnh táo, sáng suốt hơn trong cách tương tác, ứng xử với thế hệ tương lai của đất nước.

Quà cho xã hội ngày Quốc tế Thiếu nhi - Ảnh 1.

Đạo lý thầy trò, tình nghĩa bạn bè luôn là những tiêu chuẩn từ xưa tới nay

Một số người cho rằng Chỉ thị “rườm rà”, mang tính chất “chữa cháy” vì “không có gì mới so với các giá trị hiện hữu”. Cách suy nghĩ “tưởng như có lý” này thực ra khá tiêu cực và hời hợt.

Vì như đã nói ở trên, việc Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức “tăng cường” xây dựng văn hóa học đường là một lưu ý cần thiết trong mọi thời điểm. Sự chú trọng về công tác giáo dục, kỹ năng ứng xử phải luôn nằm trong vị trí ưu tiên nhắc đi nhắc lại, càng nhắc càng thấy cần thiết.

Chỉ mới đây, vụ việc vài học sinh của một trường quốc tế trên địa bàn TP HCM xô xát nhau tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng bạo lực học đường. Câu chuyện bị đẩy đi xa hơn một cách không đáng có, trở thành tâm điểm dư luận khi cách ứng xử của người lớn khiến nhiều người quan ngại. Cuộc ẩu đả của học sinh bỗng châm ngòi cho mâu thuẫn giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với nhà trường.

Hoặc hồi tháng 5-2022, một phó hiệu trưởng tại Tây Ninh bị tạm đình chỉ công tác do liên quan tới tố cáo sàm sỡ nữ sinh lớp 9. Sự thất vọng của xã hội càng được đẩy lên khi thêm ít nhất 2 học sinh nữa lên tiếng về việc cũng bị thầy giáo này có hành vi tương tự…. Nhìn rộng và xa hơn trong cả nước, những choáng váng tương tự hai vụ trên không còn là điều hiếm gặp.

Vậy nên, xây dựng văn hóa học đường luôn cần thiết trong bất cứ giai đoạn xã hội nào. Điều này phải được thường xuyên thực hiện, thường xuyên kiểm tra, thường xuyên làm mới. Nó cần thẩm thấu trong lý tưởng nghề nghiệp của các nhà giáo dục, trong sự kỳ vọng về con cái của phụ huynh.

Với riêng các em, tôi cho rằng xuyên suốt thời gian từ nhỏ đến khi trưởng thành, hãy hướng dẫn để các em nằm lòng và thực hành 5 điều Bác Hồ dạy. Đó chính là kim chỉ nam đơn giản, dễ hiểu, bao hàm trọn vẹn các tiền đề để trở thành công dân mẫu mực của đất nước.

Và như vậy, chúng ta đã tiếp nhận, đồng thời sử dụng “món quà” ngày 1-6 tốt lắm rồi.