Quả là khó chọn lựa một món quà để người nhận hài lòng và người trao cũng nhẹ lòng. Đến tận bây giờ, những trăn trở về việc có nên đưa phong bì hay không nên vẫn luôn thu hút sự quan tâm của mọi người bởi vấn đề khá nhạy cảm. Cuộc tranh luận nên – không, đúng – sai vẫn chưa đến hồi kết. Làm thế nào để tỏ lòng biết ơn thầy cô mà vẫn vẹn nguyên ý nghĩa của ngày hội tri ân? Phải chăng chiếc phong bì là “tội đồ” khiến mối quan hệ thầy và trò, giáo viên và phụ huynh trở nên xấu xí?

Phong bì kín đáo kẹp vào tấm thiệp, để trong bó hoa hay phong bì trần trụi trao tay giáo viên là một sản phẩm tất yếu của xã hội hiện đại khi mà nhiều người mặc nhiên công nhận đồng tiền có thể thay lòng người bày tỏ sự tri ân. Suốt một năm học, thầy cô giáo đã quan tâm, dạy dỗ con, tặng thầy cô phong bì chứa hiện kim thay cho lời cảm ơn cũng là lẽ thường tình. Nếu chiếc phong bì chỉ đơn giản gửi gắm tâm tư, tình cảm ấy thì không có gì để nói. Tiếc là đằng sau chiếc phong bì còn hàm chứa nhiều lời nói, suy nghĩ khiến lòng người không khỏi xót xa.

Đó là lời nói của phụ huynh khi trao phong bì cho con tặng cô: “Thế là mất mấy trăm ngàn đồng! Thấy việc học hành tốn kém chưa? Lo mà học đi!”. Nào là ẩn ý đằng sau chiếc phong bì có mệnh giá tiền lớn rằng: “Cô phải chăm sóc con tôi hơn con người ta”, “Cô phải ưu ái và châm chước cho con tôi hơn các học sinh khác vì tôi chi đậm hơn người ta”. Nào là lời xì xầm to nhỏ giữa phụ huynh với nhau về “mùa thu hoạch”, “mùa đòi quà” của thầy cô…

Muôn kiểu thêm thắt, tô vẽ khiến chiếc phong bì đơn thuần bỗng khoác chiếc áo xấu xí che đậy những ý định tăm tối của người trao làm người thầy bị tổn thương, chua chát khi mỗi mùa tri ân về.

Vậy nên, chiếc phong bì không có lỗi! Lỗi là ở chủ nhân của phong bì gói ghém thêm những ý định chưa tốt, lời lẽ chưa hay đi kèm.