Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ thương mại lên tầm cao mới.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ giữa hai nước, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như cộng đồng nông dân của hai nước được khai thác và phát triển tối đa.

Nhận định này được của PGS-TS. Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại Tọa đàm “Giao lưu kinh tế Việt Nam – Ấn Độ: Cơ hội và Thách thức” diễn ra mới đây.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên 12,3 tỷ USD (năm 2019). Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, tỷ trọng kim ngạch thương mại năm 2021 giữa hai nước vẫn đạt gần 11 tỷ USD. Hai bên đặt mục tiêu nâng tỷ trọng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trong những năm tới.

Về đầu tư, Ấn Độ hiện có hơn 300 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 60 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 459,67 triệu USD, chiếm 50,5% về vốn đầu tư.

Ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước từ năm 2016 đến nay đang đòi hỏi hai bên không chỉ dừng lại ở mối quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ an ninh quốc phòng đang rất hiệu quả, mà còn cần mở rộng mối quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế.

“Tiềm năng hợp tác kinh tế là rất lớn và thời điểm hiện nay đã chín muồi cho doanh nghiệp hai nước khai mở”, ông Thành nói.

Bày tỏ thiện chí cũng như mong muốn được tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, bà Mini Kumam, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nêu rõ, từ nhiều năm qua, Ấn Độ luôn là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, công nghệ, tài chính, y dược, với hàng loạt tập đoàn lớn được hình thành, phát triển, đầu tư rộng khắp trong và ngoài nước.

“Ấn Độ xác định các lĩnh vực phát triển về hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, truyền thông và du lịch luôn là thế mạnh. Các doanh nghiệp Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, mang lại cơ hội thuận lợi cũng như lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp. Việc hợp tác giao thương sẽ thực sự có hiệu quả trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp hai nước tăng cường tìm hiểu thị trường, hợp tác để tạo ra những sản phẩm có giá trị”, bà Mini Kumam nêu rõ.

Trong khi đó, ông Indronil Sengupta, Chủ tịch INCHAM Việt Nam cho rằng, quản lý tài chính, ngân hàng là thế mạnh mà Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ, trong bối cảnh các ngân hàng ở Việt Nam đang phát triển năng động.

Ngoài ra, giao thương giữa hai nước cần có cơ chế và hỗ trợ lẫn nhau, tìm ra thế mạnh để bổ trợ. Để làm được điều đó, hai bên cần tiếp tục khảo sát thị trường để tăng cường mở rộng mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo chất lượng là vấn đề hàng đầu.

“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ được khuyến khích đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo giá trị cao hơn cho thị trường. Còn nhiều tiềm năng, khoảng trống để chúng ta có thể hợp tác với nhau”, ông Sengupta nhấn mạnh.

Hai nước cần sớm có hiệp định thương mại mới

Ở góc độ doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ, ông Đoàn Văn Nhiên, Giám đốc Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam cho rằng, thị trường Ấn Độ rất nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư. Tuy nhiên, đang còn tồn tại những khó khăn như quá trình xin cấp phép hoạt động đầu tư tại Ấn Độ vướng nhiều thủ tục, thời gian để hoàn thành thủ tục cấp phép hoạt động từ 8 đến 9 tháng, Ấn Độ chỉ cho người nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần tại doanh nghiệp…

Theo PGS-TS Đỗ Đức Định, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Châu Phi và Trung Đông, hai nước có thể giảm bớt biểu thế quan, tăng cường đàm phán hướng tới ký kết một hiệp định thương mại tự do, mở rộng hợp tác Ấn Độ – ASEAN cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ.

Theo ông Tôn Sinh Thành, còn không ít thách thức đối với giao lưu kinh tế giữa hai nước. Trình độ phát triển hai nước, cơ cấu kinh tế giống nhau và cũng đều là những nước cần thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, kết nối đường bộ, đường thủy chưa tốt; các rào cản thuế và phi thuế quan còn cao. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước còn ít và kém hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục và chính sách trong quá trình triển khai kinh doanh.

Nêu giải pháp nhằm đưa hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt được như kỳ vọng, các chuyên gia đồng tình rằng, cần tăng cường thảo luận giữa các bộ, ngành và các hiệp hội ngành hàng hai nước, từ đó kiến nghị lên cơ quan chủ quản, Chính phủ hai nước sớm có đàm phán, ký kết hiệp định thương mại mới giữa Việt Nam và Ấn Độ nhằm đưa kim ngạch thương mại lên tầm cao mới.

“Cần hiện thực hóa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện thông qua hợp tác kinh tế hiệu quả. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của hai nước, cần đưa kim ngạch thương mại hai nước vượt mốc 15 tỷ USD thông qua nghiên cứu, thảo luận để ký kết Hiệp định thương mại mới, mở cửa cho tiềm năng hợp tác hai nước thực sự phát triển. Đây là nhu cầu cấp bách”, ông Tôn Sinh Thành đề xuất.