.
Diễn đàn Kinh tế là một hoạt động thường niên của Quốc hội, được khởi động từ năm 2021.

Là một hoạt động thường niên của Quốc hội được khởi động từ năm 2021, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 sẽ có chủ đề: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Năm 2021 với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững, Diễn đàn đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời tạo tiền đề để bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế – xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine…

 Qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2022 nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội…

 Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa – kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Mục đích của diễn đàn còn nhằm đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA; RCEP; SDGs; COP26…)…cũng nằm trong nội dung của Diễn đàn.

Qua Diễn đàn sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, để thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như nhằm huy động tối đa trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, tại Diễn đàn sẽ công bố ý tưởng thành lập Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, dự kiến hoạt động từ năm 2023.

Theo kế hoạch, diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 18/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tham dự và chủ trì sự kiện này còn có Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ tịch nước; các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến, Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Chủ đề cuyên đề 2 là về thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững

 Tại các phiên, các diễn giả sẽ trình bày tham luận, sau đó là Tọa đàm cấp cao giữa các diễn giả là đại diện cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, tổ chức quốc tế và một số chuyên gia với các đại biểu tham dự. Dự kiến sẽ có khoảng 350 – 400 đại biểu tham dự trực tiếp Diễn đàn.