Ngày 15/12, Thành ủy Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Toàn cảnh Hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”. (Ảnh: Nhật Hạ)

Quy chế dân chủ trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, dân chủ ở cơ sở là hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với dân chủ đại diện hợp thành tổng thể nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của xã hội nước ta. Thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở bao hàm rất nhiều nội dung và bằng nhiều hình thức, trong đó thể hiện tập trung nhất ở việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực.

TS. Nguyễn Văn Phong thông tin, thực chất của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

TS. Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Nhật Hạ)

Chủ trương pháp chế hóa, quy chế hóa vấn đề dân chủ ở cơ sở được khởi động từ Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII. Từ đó đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng lãnh đạo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Trong các văn kiện đó và trong nhiều nghị quyết của đại hội, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã khẳng định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà nước trong việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tập trung vào việc xây dựng và thực hiện tốt Quy chế thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở.

Trong đó, việc xác định rõ yêu cầu tăng cường việc Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân chủ ở cơ sở trong các quy định của pháp luật, quy định cụ thể có ý nghĩa quan trọng. 

Bên cạnh đó là tăng cường công tác giám sát, thanh tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các địa phương, đơn vị. Đồng thời, định kỳ tổng kết việc thực hiện, kịp thời chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, chống lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

Điểm lại những kết quả nổi bật mà TP. Hà Nội đạt được trong các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, TS. Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành quả đó chính là kết quả thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn Thủ đô, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. 

Nhờ đó, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn nỗ lực, phát huy mạnh mẽ dân chủ, tiên phong trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư. 

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Nhật Hạ)

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Hà Nội có nhiều đặc thù, về tổ chức đảng là một Đảng bộ đông nhất cả nước với 47 vạn đảng viên, 50 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tập trung nhiều tinh hóa trí thức, nhiều cán bộ có trình độ cao về mọi lĩnh vực, cả học vấn lẫn chính trị, thực tiễn…

Đó là thuận lợi trong việc thực hiện cuộc vận động dân chủ của Hà Nội. Chưa kể đến địa bàn, dân cư đông đảo, Hà Nội có 30 quận, huyện, thị có dân tộc thiểu số, có nhiều tầng lớp dân cư, xu hướng đô thị hóa, đồng thời gắn liền với dân chủ hóa, công nghiệp hóa. Những tác động này liên quan đến sự vận động của dân chủ của Hà Nội cũng như cả nước.

Còn PGS. TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, để thực sự phát huy dân chủ cơ sở góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của TP trong sạch, vững mạnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp cần thực sự phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng. 

Trong đó, Thành ủy tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về phát huy dân chủ thành các quy chế, quy định, hướng dẫn để thống nhất tổ chức thực hiện…

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS. TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hội thảo đã tập hợp được hơn 50 bài tham luận, thu hút được sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành khác nhau, đặc biệt là các đại biểu đến từ Thành ủy – UBND TP. Hà Nội, các quận, huyện và từ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Hội thảo đã tập hợp được hơn 50 bài tham luận, thu hút được sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành khác nhau. (Ảnh: Nhật Hạ)

Các ý kiến phát biểu, tham luận đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội; hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Các ý kiến chỉ rõ, xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, trong đó phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở là nội dung trọng yếu.

Từ thực tiễn tại Hà Nội, các ý kiến nhấn mạnh, niềm tin của Nhân dân Thủ đô đối với vai trò lãnh đạo của Thành ủy, hệ thống chính trị Thủ đô được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Nhờ phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của đảng viên, hội viên, đoàn viên đã giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng tổ chức, lựa chọn cán bộ, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đặc biệt, theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn, nhiều bài viết tập trung phân tích, làm rõ kết quả triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và những vấn đề đặt ra cần nhận diện kịp thời… 

“Sau hội thảo, chúng tôi chắt lọc, tham mưu cho những kế hoạch gắn với phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn”, PGS. TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.