Phong trào nuôi bò thịt ở tỉnh Long An đang được đầu tư phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ, cải thiện đáng kể đời sống người dân trên địa bàn. Theo thống kê, đàn bò thịt của 2 huyện này hiện có gần 68.000 con, chiếm gần 80% tổng đàn bò thịt của toàn tỉnh Long An.
Giúp bà con vươn lên làm giàu
Gia đình ông Phan Văn Kẻn trước đây sống bằng nghề làm ruộng. Tận dụng nguồn cỏ quanh bờ, mỗi năm ông nuôi vài con bò để tăng thêm thu nhập. Dần dần, thấy bò dễ nuôi và có đầu ra ổn định, nên ông quyết định mở rộng qui mô chăn nuôi.
Thu hoạch cỏ để phục vụ chăn nuôi bò ở Long An
Được sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ông Kẻn mạnh dạn chuyển đổi hình thức nuôi từ truyền thống sang nuôi công nghệ cao. Nuôi theo phương pháp mới này, đàn bò chẳng những mau lớn mà còn dễ bán. Gia đình ông hiện là 1 trong 5 hộ có trang trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn nhất ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa.
Theo chia sẻ của ông Kẻn, nuôi bò vỗ béo cho lợi nhuận cao và thời gian quay vòng nhanh, trung bình khoảng 3 – 4 tháng là cho xuất chuồng một đợt. Hiện nay, mỗi đợt gia đình ông nuôi khoảng 200 con, sau khi trừ hết chi phí như bò giống, nhân công, thức ăn, thuốc thú y… ông còn lời gần 1 tỉ đồng.
Cán bộ tín dụng Agribank Long An thăm mô hình bò gia đình ông 9 Kẻn
Gia đình ông Phạm Thành Công ở xã Hòa Khánh Tây cũng đang thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, với qui mô xấp xỉ 200 con. Khi triển khai thực hiện mô hình này, ông đã làm đơn xin vay vốn ở Agribank Chi nhánh Đức Hòa. Mấy công đất vườn của gia đình trước đây trồng chanh không có hiệu quả, nay dành hết để trồng cỏ. Ngoài ra, ông còn thuê thêm hơn 4 ha đất trồng cỏ, để đảm bảo có nguồn thức ăn tươi cho đàn bò. Cũng như gia đình ông Kẻn, sau mỗi đợt nuôi, ông kiếm được gần 1 tỉ đồng.
Nuôi bò thịt không khó, vì đa phần bà con đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trước khi triển khai thực hiện mô hình. Nhưng điều làm mọi người lo lắng nhất là nguồn vốn đầu tư khá lớn. Trung bình, mỗi con bò giống có giá lên đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề vốn làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị xay thức ăn cho bò…
Hiểu được nhu cầu này, Agribank Chi nhánh Long An đã chủ động cân đối nguồn vốn, sẵn sàng tiếp sức hỗ trợ cho bà con nông dân.
Theo thống kê, hiện trong tổng dư nợ gần 3.100 tỉ đồng của chi nhánh dành cho chăn nuôi, dư nợ cho vay nuôi bò ở huyện Đức Hòa đã lên đến trên 800 tỉ đồng. Điều đáng mừng là mặc dù nguồn vốn giải ngân lớn, nhưng nợ xấu rất thấp, ở mức 0,01%. Trong thời gian tới, lãnh đạo Agribank Chi nhánh Long An cho biết chi nhánh đang tập trung bàn giải pháp huy động và điều tiết nguồn vốn thỏa đáng, để các bà con nông dân có nguồn lực đủ mạnh, vượt qua mua dịch Covid-19, từng bước vươn lên làm giàu.
Hiện, vùng trồng xoài cát Hòa Lộc tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cái Bè (Tiền Giang) có diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng 12.500 tấn/năm. Nhận thấy tiềm năng của loại cây ăn trái này có thể mang lại giá trị cao khi đầu tư đúng hướng, cách đây hơn 3 năm, anh Trần Văn Lực (ở xã Hòa Hưng) tiên phong chuyển đổi phương thức trồng theo hướng VIETGAP và cho trái rải vụ. Nhờ vậy mà chất lượng trái xoài được nâng cao và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tới mùa, thương lái tìm đến tận vườn, mua với giá cao, dao động từ 60.000 – 80.000đ/kg.
Vườn xoài cát Hòa Lộc trĩu quả của nhà nông Tiền Giang
Đến thời điểm này, gia đình anh Lực có hơn 7 công xoài cát trên 15 năm tuổi. Mỗi năm, vườn xoài này cho thu hoạch khoảng 350 triệu đồng, mang lại thu nhập tốt cho gia đình. Anh Lực chia sẻ, trồng xoài theo tiêu chuẩn VIETGAP không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, do trong quá trình canh tác, nhà vườn đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, để có vườn xoài sạch theo chuẩn VIETGAP thì chi phí đầu tư rất cao. Thời gian gần đây, nhờ nhận được sự hỗ trợ của Agribank, nên gia đình anh mới mạnh dạn chuyển hướng đầu tư.
Xoài cát Hòa Lộc hiện là một trong những loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang, đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhờ vậy, thu nhập, đời sống của nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc không ngừng được nâng cao.
Có được thành công như hôm nay, bên cạnh sự quyết tâm, không ngừng học hỏi, ứng dụng kỹ thuật của người nông dân, thì còn có sự chung sức của Agribank. Theo thống kê, đã có gần 350 hộ trồng xoài được tiếp cận với nguồn vốn của Agribank với tổng số tiền trên 14 tỉ đồng.
Giữ màu xanh cho rừng tràm nơi tận cùng Tổ quốc
Cà Mau là mảnh đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc. Không chỉ ở vùng đồng bằng, vùng rừng núi luôn là địa chỉ đỏ của đồng vốn Agribank. Gắn bó gần cả cuộc đời với đất rừng U Minh (Cà Mau), ông Trần Thanh Liêm (xã Mỹ Phích, huyện U Minh) đã kinh qua nhiều mô hình phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy mô hình trồng rừng, nuôi cá theo phương pháp thả cá tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vì chỉ tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, không tốn công chăm sóc cũng như thức ăn cho cá.
Từ năm 2009, ông Liêm đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình này. Với 4 ha trồng tràm kết hợp nuôi cá đồng, mỗi năm, chỉ riêng nguồn thu từ cá đồng, ông Liêm lời trên 150 triệu đồng. Còn đối với nông dân Lâm Thành Chen ở xã Mỹ Phích, năm 2014, anh đã mạnh dạn vay vốn để lên liếp trồng 5ha tràm nước và nuôi cá dưới chân rừng tràm – lấy ngắn nuôi dài. Năm vừa rồi, sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí, gia đình anh Chen thu lãi gần 500 triệu đồng. Qua 5 năm gắn bó với cây rừng, con cá, anh Chen đã cất được ngôi nhà khang trang và nuôi con ăn học tới nơi, tới chốn.
Ông Lâm Thành Chen trao đổi mô hình rừng tràm
Anh Lâm Thành Chen chia sẻ: “Lúc đầu thiếu vốn, Agribank đã cho vay vốn, nếu không có nguồn vốn vay thì không phát triển được nhiều. Nhờ có nguồn vốn vay mới cải tạo được rừng, nuôi cá, trồng tràm và có được như ngày hôm nay”.
Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phích, người dân tiếp cận nguồn vốn vay, làm ăn đạt nhiều hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn vay Agribank nên nông dân yên tâm sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng đáng kể. Thời gian qua, mô hình trồng rừng thâm canh, kết hợp nuôi cá ở huyện U Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi ha đạt từ 200-250 m3 gỗ (giá bán từ 200-250 triệu đồng).
Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu để cải tạo đất, xẻ mương, kê liếp khá cao, khoảng trên 100 triệu/ha. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của bà con nơi đây, vì nếu không có vốn đầu tư, thì quyết tâm giữ rừng của bà con huyện U Minh khó có thể thực hiện được. Vì vậy, việc Agribank Chi nhánh U Minh cung ứng nguồn vốn kịp thời với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn của mùa dịch Covid-19, đã giúp người dân bám đất giữ rừng và khôi phục lại nguồn cá đồng của địa phương.