Bộ Xây dựng vừa đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016), nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Làm sao để “tiêu hóa” được gói tín dụng này đúng tiêu chí, giúp người dân có nhà ở và góp phần ổn định thị trường bất động sản?

Cần tính đúng, tính đủ

Nhà ở xã hội hiểu theo nghĩa nhu cầu bức thiết, chủ yếu xuất hiện ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, khi giá nhà ở tăng cao và nhiều người chưa có đủ tài chính để vay mua nhà thương mại thông thường.

Theo đề xuất dự kiến của Bộ Xây dựng, với gói tín dụng 110.000 tỉ đồng này sẽ dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay ưu đãi. Khoảng 50% gói tín dụng còn lại tương đương 55.000 tỉ đồng dành cho khách cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Lật lại gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng được triển khai 10 năm trước, ban đầu, gói này cũng chỉ dành cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội nhưng tốc độ giải ngân sau một thời gian không như kỳ vọng vì nguồn cung căn hộ đáp ứng đúng yêu cầu không nhiều. Kết quả, cơ quan quản lý sau đó đã quyết định mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ gói chính sách hỗ trợ này với mục tiêu nhiều người dân có thu nhập thấp cũng có nhà ở, bao gồm cả nhà ở thương mại có giá dưới 70 triệu đồng/m2, lãi suất cho vay khoảng 5%/năm và thời gian vay tăng từ 10 lên 15 năm…

Thời điểm đó, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng này đã góp phần phục hồi thị trường bất động sản và trong đó thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển chứ không chỉ là giải pháp riêng cho phân khúc nhà ở xã hội. Dẫn chứng để thấy phát triển nhà ở xã hội cũng cần hài hòa và đặt trong bối cảnh chung phù hợp với tình hình thực tế.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình thực tế cũng không quá khác biệt. Như đã nói, nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội đang diễn ra chủ yếu ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội. Nếu chia gói tín dụng 110.000 tỉ đồng này triển khai ở 2 đô thị lớn; trong đó TP HCM sẽ có khoảng 55.000 tỉ đồng để triển khai, vậy thì phải thống kê hiện trên địa bàn thành phố đang có bao nhiêu dự án nhà ở xã hội đã, đang và sẽ đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ này, bao nhiêu căn hộ sẽ được mở bán ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người dân?

Đồng thời, TP HCM đang có bao nhiêu căn hộ thuộc phân khúc nhà ở xã hội để người có nhu cầu vay gói tín dụng ưu đãi này tiếp cận để vay mua nhà? Ở góc nhìn tương tự, nếu chưa có dự án nhà ở xã hội thì các doanh nghiệp sẽ đề xuất xin ưu đãi về quỹ đất, gỡ vướng pháp lý hoặc thủ tục… Vậy thì sẽ cần 2-3 năm để chính sách này đi vào cuộc sống, vì quy trình, thủ tục vẫn là theo tiến độ. Do đó, để gói tín dụng khả thi thì cần tính đúng, tính đủ phù hợp với thực tế.

Phát huy hiệu quả gói tín dụng 110.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ổn định thị trường bất động sản là mục tiêu rất quan trọng, góp phần thúc đẩy các phân khúc bao gồm cả nhà ở xã hội Ảnh: Tấn Thạnh

Ổn định thị trường bất động sản

TP HCM đang có một Quỹ Hỗ trợ phát triển nhà ở (HOF) nhưng hoạt động chưa xứng tầm và chưa như kỳ vọng. Cần có thêm cơ chế, chính sách và nâng tầm để quỹ này phát triển đúng với mục tiêu hỗ trợ người dân thành phố có nhà ở.

Nhìn rộng ra, thị trường bất động sản thời gian qua gặp khó vì nhiều chính sách không thuận lợi cho thị trường triển khai cùng lúc, kết hợp với việc nhà nước xử lý những yếu kém trên thị trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản, bao gồm cả những doanh nghiệp đang hoạt động lành mạnh, tâm lý nhà đầu tư và cả người dân. Lúc này, ngay cả người dân có nhu cầu mua nhà ở, mua căn hộ để ở cũng chưa dám xuống tiền vì e ngại rủi ro.

Do đó, ổn định thị trường bất động sản là mục tiêu rất quan trọng, từ đó mới góp phần thúc đẩy các phân khúc bao gồm cả nhà ở xã hội. Với nhận định này, các chính sách hiện tại cần tập trung vào mọi phân khúc nhà ở phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân, góp phần phát triển đô thị.

Trong đó, gói tín dụng 110.000 tỉ đồng không chỉ hướng tới phân khúc nhà ở xã hội mà đồng thời có thể triển khai cả với những dự án nhà ở thương mại có mức giá phù hợp. Cụ thể, người vay mua nhà ở xã hội hoặc vay mua nhà ở thương mại giá dưới 50 triệu đồng/m2 có thể cùng được hỗ trợ lãi suất. Mức lãi suất ưu đãi sẽ tùy vào giá trị căn hộ, nếu căn hộ chung cư dưới 30 triệu đồng/m2 sẽ được ưu đãi lãi suất cao hơn căn hộ dưới 50 triệu đồng/m2…

Có thể nói, chung cư là giải pháp nhà ở đô thị của TP HCM và những chung cư từ phân khúc trung cấp trở xuống là phù hợp để vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà, vừa góp phần phát triển bộ mặt đô thị không quá “bình dân”. Khi phân khúc nhà ở trung bình thấp và nhà ở xã hội phát triển sẽ lan tỏa ra cả thị trường bất động sản. 

Lưu ý là các chính sách hỗ trợ được triển khai theo đúng quy định, áp dụng với các doanh nghiệp bất động sản tuân thủ đúng pháp luật, cạnh tranh theo cơ chế thị trường.