Từ “ATM gạo” đầu tiên đặt tại quận Tân Phú, đến nay, cách làm từ thiện này đã lan tỏa khắp cả nước. Chỉ riêng ở TP HCM, “ATM gạo” thay nhau mọc lên tại các quận – huyện: 3, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… Một số nơi tặng kèm thực phẩm, giúp bữa cơm của các gia đình phong phú hơn, nhiều dưỡng chất hơn trong những ngày mất việc kéo dài.
Vui vẻ nhường nhau
Dịch bệnh hoành hành, sản xuất – kinh doanh đình trệ, những khó khăn cứ thế chồng chất. TP HCM có gần 1.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 6.400 người phải tạm ngưng việc làm, khoảng 70.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, trong hoạn nạn, khó khăn, những tính cách đặc trưng của người dân Sài Gòn – TP HCM lại có dịp thể hiện rõ nét.
“Bao nhiêu năm sống ở thành phố, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này. Hàng xóm của tôi đều thất nghiệp. Nhiều người phải chật vật chạy từng bữa ăn. Tôi và con gái 51 tuổi không còn biết làm gì để trang trải cuộc sống” – cụ Huỳnh Thị Tuyết (ngụ phường Bến Thành, quận 1), người đầu tiên nhận được gạo và thức ăn từ “ATM thực phẩm miễn phí” đặt tại trụ sở Báo Người Lao Động, trải lòng.
Sáng hôm ấy, cụ Tuyết được một người hàng xóm thương tình cho “quá giang” đến Báo Người Lao Động. Rất nhiều người khác đã có mặt từ trước. Bà cụ lúng túng chen giữa hai hàng người xếp dài, không biết dưới chân có đánh dấu vị trí đứng theo quy định.
Người hướng dẫn chưa kịp nhìn thấy, một phụ nữ xếp đầu hàng đã lên tiếng: “Cụ lên đây đi”. “Ừ, nhường người già lên đầu đi” – một người khác tán đồng. Rồi một người đàn ông bước khập khiễng rời vị trí, dắt cụ Tuyết lên trên. Không ai bảo ai, những người kiên nhẫn chờ đợi từ sáng sớm lẳng lặng rời chỗ, nhường cụ lên phía trước.
Trong dòng người đó, một cô bé chừng 8 tuổi từ 6 giờ 30 sáng đã ngoan ngoãn xếp hàng chờ nhận phần thực phẩm miễn phí cho gia đình. Một người đàn ông lóc cóc trên chiếc xe đạp chở lỉnh kỉnh những chai nhựa chạy từ quận 8 sang khi nghe tin ngoài gạo còn được tặng trứng, xúc xích, đồ hộp… Một phụ nữ đứng tuổi được người hàng xóm thương cảnh già neo đơn, chở từ quận 4 sang để nhận phần thực phẩm “cứu đói” vì việc nhặt phế liệu mấy tháng nay không còn “kiếm ăn” được nữa. Một chị công nhân đứng xếp hàng mà lòng cứ thấp thỏm lo cho hai đứa con nhỏ đang mong mẹ về nhà…
Không ai tỏ ra bực dọc, không ai liếc mắt khó chịu… Mọi người vui vẻ lùi lại một ô, chừa chỗ cho cụ Tuyết được nhận quà sớm nhất từ “ATM thực phẩm miễn phí”.
Kẻ góp của, người góp công
Tại “ATM gạo” đặt ở Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, cầm bọc gạo khoảng 3 kg trên tay, bà Lê Ngọc Dung – ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 – bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi tới nhận gạo. Nhà có hai mẹ con với hai đứa cháu, gạo hôm trước ăn hết mới dám đi nhận nữa. Còn phần gạo này ăn chắc 3-4 ngày mới hết”.
Để có được những nét mặt rạng rỡ, những nụ cười hạnh phúc của bà con nghèo, biết bao mồ hôi đã tuôn ướt đẫm vai áo những người có tấm lòng nhân ái, của lực lượng túc trực để phục vụ việc vận hành máy, hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách đúng quy định.
Bà Lê Ngọc Dung – ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM – nhận gạo tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức
“Bà con đứng vào vòng tròn vẽ dưới chân, giãn cách đúng quy định giúp con nhé”. Dưới ánh nắng chiều chưa dịu oi nồng, anh Nguyễn Tăng Cường – Phó Bí thư Quận đoàn Thủ Đức – kiên nhẫn nhắc nhở dòng người đang tiến vào sân Nhà Thiếu nhi quận chờ nhận gạo từ chiếc máy ATM nghĩa tình. Anh tháo kính, lau hơi nước đọng, lưng áo mướt mồ hôi.
Phía sau anh Cường, những tình nguyện viên từ nhiều ban ngành, đoàn thể vẫn đang tích cực làm nhiệm vụ của mình. Mỗi người một việc, từ hướng dẫn người dân xếp hàng, giãn cách, đo nhiệt độ, rửa tay đến vận hành máy…
Ngồi khuất sau chiếc máy, một nhóm hơn 10 người đang tất bật chuẩn bị túi giấy đựng gạo. Số khác đong sẵn gạo để trao cho những người cao tuổi, khuyết tật. Dòng người đổ về càng đông, công việc của họ càng thêm tất bật.
Luôn tay dán băng dính vào đáy những túi gạo cho chắc chắn, cô Lê Xuân Tiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức – cho biết những ngày không đến trường vì dịch bệnh, cô cùng nhiều đồng nghiệp đã xung phong đến phục vụ “ATM gạo”. “Mỗi ngày tôi đến phụ 2 buổi, sáng từ 7 đến 11 giờ, chiều từ 15 đến 19 giờ. Nhìn những túi gạo theo người dân về nhà, tôi cảm thấy vui lắm. Không riêng gì tôi, ở đây ai cũng muốn góp công, góp sức để bà con được ấm lòng, vượt qua dịch bệnh” – cô bộc bạch.
Ngồi nép bên cổng Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, vài anh dân quân tranh thủ ăn vội bữa cơm chiều rồi quay lại “ATM gạo” hướng dẫn người dân nhận quà. Những gương mặt đẫm mồ hôi vẫn miệt mài, nhiệt thành với công việc.
“Cho tôi góp chút”!
Hôm đến “ATM gạo” đặt trước UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, tôi chứng kiến cảnh nhiều đoàn viên thanh niên, dân quân hì hục khuân vào kho những bao gạo của các nhà hảo tâm chở tới ủng hộ. Nghe tôi hỏi thăm, một thanh niên vừa lau mồ hôi trên mặt vừa cười tươi rói: “Mệt nhưng giúp được nhiều người nên thấy vui lắm!”.
Anh thanh niên tặng thêm bà Nguyễn Thị Lài hộp cơm trưa sau khi đã nhận gạo tại “ATM gạo” trước trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh
Thấy bà Nguyễn Thị Lài khập khiễng bước tới, một thanh niên nhanh nhảu hướng dẫn: “Cô rửa tay rồi đi theo hướng này lấy bao đựng, sau đó vào vòi trống số 2 lấy gạo”. Khi bà ra về, anh còn gọi với lại, đưa thêm hộp cơm do mạnh thường quân vừa gửi đến cho tình nguyện viên: “Cô mang về ăn trưa để đỡ phải nấu, giờ cũng trễ rồi”.
Đọc qua danh sách rất dài những người hảo tâm mang gạo đến hỗ trợ người nghèo ở xã Vĩnh Lộc B, tôi không khỏi xúc động. Chị Nhân – nhà ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A – giữa trưa nắng chở tới 25 kg gạo, kèm lời nhắn ngắn gọn: “Cho tôi góp chút giúp bà con”. Anh Trường chạy 20 km từ quận 12 sang để tặng 40 kg gạo trong ngày đầu máy hoạt động…
Anh Nguyễn Tăng Cường kể một lần trực đêm tại “ATM gạo” Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, anh gặp một vị khách đặc biệt. Đó là một phụ nữ đứng tuổi, đi xe đạp chở theo 20 kg gạo. “Cô là công nhân, làm vừa đủ ăn thôi nhưng ở một mình, không phải nuôi con nhỏ nên không cần dùng nhiều gạo. Trong nhà còn dư một ít gạo của người ta tặng, cô muốn gửi lại cho những người khó khăn hơn” – cô nói rồi cười hiền ra về, không cho biết tên.
Nhìn bao gạo được trộn từ nhiều loại khác nhau, anh Cường ứa nước mắt: “Sao mà thương quá! Tôi nhận bao gạo liền mang để riêng vì trân trọng một tấm lòng thật cao đẹp… Nhiều người rất hào sảng, phóng khoáng, chỉ mong những phần gạo họ đóng góp đến được tay người cần”.
Anh Nguyễn Tăng Cường cho biết nghe tin địa phương có “ATM gạo” giúp đỡ người nghèo đặt tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, 2 cụ bà Nguyễn Thị Lâm và Nguyễn Thị Thạch – đều trên 90 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu – nằng nặc bảo cháu chở đến tặng 100 kg gạo.
“Bà già rồi, vác không nổi, chứ vác nổi thì bà đã tự tay mang đến” – cụ Lâm móm mém cười.