Vụ việc một bé trai 10 tuổi (tỉnh Đồng Tháp) bị lọt xuống trụ bê-tông sâu 35 m của một công trình đang thi công xảy ra mấy ngày qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhiều công trình đang thi công xây dựng thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn.

Trước đó không lâu, chiều 19-12-2022, một bé gái 5 tuổi bị rơi xuống hố cọc bê-tông sâu 15 m tại khu vực công trường đang thi công ở tỉnh Đồng Nai. May mắn là lực lượng cứu hộ đã cứu được bé gái khỏi hố sâu.

Tai nạn vì chủ quan, lơ là

Khi tiến hành thi công xây dựng các công trình, đặc biệt là giai đoạn thi công đào hố móng, đóng khoan cọc nhồi, đóng cọc đổ bê-tông, xây dựng các trụ móng công trình…, công tác bảo đảm an toàn gần như là tuyệt đối; nhất là khi thi công tại các khu dân cư, tuyến đường giao thông có người qua lại.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp an toàn, công trình phải luôn “kín cổng cao tường”, nghĩa là phải được rào chắn cẩn thận, an toàn, không ai được phép ra vào, trừ những người làm nhiệm vụ. Ngoài ra, tại công trình đang thi công đều có nội quy công trường, biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm vào…

Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phải túc trực 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, quan sát công trình và có quyền xử lý những người không phận sự vào đây. Các kỹ sư, chỉ huy trưởng công trình, kỹ sư giám sát kỹ thuật, an toàn cũng có nhiệm vụ, trách nhiệm giám sát chung nhằm phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra tại công trình.

Tuy nhiên trong thực tế, dù đã có những quy định về thi công xây dựng công trình cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn trong khi thi công nhưng không ít công trình thiếu rào chắn hoặc nếu có thì làm sơ sài, hình thức, thiếu biển báo, nội quy, biển cảnh báo nguy hiểm.

Lực lượng làm nhiệm vụ cũng chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác; thậm chí thiếu trách nhiệm, không nhắc nhở, xử lý kịp thời khi người ngoài đến gần công trình, nhất là trẻ nhỏ. Hậu quả là đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm cho người đi đường khi tham gia giao thông; trẻ nhỏ lọt hố, đuối nước tại các hố công trình đang thi công và cả công nhân thi công cũng vướng vào tai nạn thương tâm.

Cần xử lý nghiêm, hình phạt nặng để răn đe - Ảnh 1.

Giải cứu bé trai ở Đồng Tháp lọt xuống trụ bê-tông. (Ảnh cắt từ clip Báo Người Lao Động)

Truy đến cùng trách nhiệm

Quy chuẩn an toàn lao động và thi công có nhiều, sau các vụ tai nạn lao động quyết liệt hay quyết tâm chấn chỉnh cũng không ít. Nhưng thực tế, cái gọi là tai nạn hy hữu nhưng lại xảy ra liên tiếp 2 vụ trong vòng nửa tháng, xét cho cùng có nhiều nét tương đồng: công trường đang thi công và nạn nhân đều là trẻ em.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với chủ công trình thi công nếu có một trong những hành vi sau: không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường; phạt tiền từ 40 triệu đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không có quy định cụ thể, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công; không bố trí đủ nhân lực phù hợp để giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng…

Ngoài ra, đối với các hành vi của chủ công trình, nếu để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng cho người khác, đặc biệt là cho trẻ nhỏ tại công trình do thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn trong thi công hoặc do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Khi cảnh báo không đủ sức răn đe thì phải xử lý nghiêm, hình phạt nặng mới giúp bớt tái diễn tai nạn và an toàn thi công mới được lập lại nghiêm túc. Vậy nên, để bảo đảm tuyệt đối an toàn tại các công trình đang thi công, xây dựng, nhất là các công trình thi công gần những khu dân cư, nhằm phòng ngừa hậu quả thương tâm, đau lòng, lực lượng chức năng có thẩm quyền cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất, đình chỉ ngay lập tức và lập biên bản xử phạt mạnh tay hơn đối với những công trình có dấu hiệu vi phạm, thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, cần truy đến cùng trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính lẫn hình sự, dân sự để không còn xảy ra những tai họa không thể sửa chữa, khắc phục.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường, tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày có 18 trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích.