Khó ngăn Triều Tiên có vệ tinh do thám quân sự?

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ phóng diễn ra vào sáng cùng ngày (giờ địa phương) và tên lửa đẩy Cheollima-1 mang theo vệ tinh Malligyong-1 bị rơi xuống biển do trục trặc động cơ.

KCNA đăng tải thông tin trên không lâu sau khi Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa đẩy nói trên đã biến mất khỏi màn hình radar sau vụ phóng. Quân đội Hàn Quốc đã trục vớt một số mảnh vỡ được cho là từ vụ phóng thất bại và công bố hình ảnh về chúng.

Mảnh vỡ được cho là từ vụ phóng vệ tinh thất bại của Triều Tiên hôm 31-5Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Đây là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triều Tiên và là vụ phóng đầu tiên kể từ năm 2016. Nếu thành công, chuyến bay sẽ đưa vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng lên quỹ đạo trong động thái được cho là nhằm cải thiện khả năng giám sát hoạt động quân sự của Mỹ.

Theo đài Al Jazeera, hành động phóng vệ tinh của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cấm nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án vụ phóng mới nhất, đồng thời thúc giục Triều Tiên nối lại tiến trình đàm phán bị đình trệ từ năm 2019. Giới chức Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có phản ứng tương tự sau khi điện đàm về vụ phóng.

Theo hãng tin Yonhap, một số nhà phân tích nhận định có thể mất nhiều tháng để khắc phục những lỗi xảy ra trong vụ phóng hôm 31-5. Dù vậy, có chuyên gia cho rằng bất chấp kết quả vụ phóng kế tiếp có thế nào, việc Triều Tiên đưa vào sử dụng vệ tinh do thám quân sự chỉ là vấn đề thời gian.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem việc phát triển loại vệ tinh này là ưu tiên hàng đầu khi đích thân thị sát một số hoạt động chuẩn bị cho vụ phóng.

Triều Tiên hiện còn đẩy nhanh hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí, đồng thời nhấn mạnh động thái này là cần thiết vì mục đích tự vệ. Một số chuyên gia nhận định nước này đang lo ngại chuyện Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Nhật Bản và Mỹ.

 Một mối bận tâm khác của Bình Nhưỡng có thể đến từ việc Hàn Quốc vào tuần rồi phóng thành công vệ tinh thương mại đầu tiên, sử dụng tên lửa không gian Nuri do Seoul thiết kế và chế tạo. Không dừng lại ở đó, theo Yonhap, Hàn Quốc dự định phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào tháng 11 tới. Đây là một phần kế hoạch triển khai 5 vệ tinh như thế vào giữa thập niên 2020.


Hoàng Phương