Câu hỏi lớn để vượt qua thách thức

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, cộng đồng doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí, đó còn là “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nhưng mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. “Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất – kinh doanh và việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

.
Với vai trò Tư lệnh cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa làm sao để giúp nền kinh tế bứt phá.

Tuy nhiên, một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều thách thức, như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp; hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ…

Trong bối cảnh như vậy, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đặt câu hỏi lớn rằng: Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ?

“Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, thì hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. 

“Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.  

Theo Bộ trưởng, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Và đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược. 

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.   

“Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hành động nhanh và mạnh hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp để chớp “thời cơ vàng”

Khẳng định điều doanh nghiệp mong mỏi nhất hiện nay, là Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, hơn là “hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ ‘vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”.

Với tư cách Tư lệnh cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa làm sao để giúp nền kinh tế bứt phá.

Cụ thể, trước hết, là phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; tập trung phát triển sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa bằng cách tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu, các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…

Bộ trưởng đã nhắc đến việc xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước. 

Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. 

“Tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư.

Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất – kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. 

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…

Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển…

“Các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, Bộ trưởng cho rằng, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.