Thành phố Ninh Bình ngày mới
Thành phố Ninh Bình ngày mới

Phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực

Từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm, sau 30 năm tái lập, Ninh Bình đã có bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng cao qua các thời kỳ.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân giai đoạn 1992-2010 đạt 12,8%/năm, giai đoạn 2011-2021 đạt 7,7%/năm.

Quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, đến hết năm 2021 đạt trên 72.000 tỷ đồng, gấp 105 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Đã hình thành được ngành, sản phẩm chủ lực, tạo thế và lực phát triển, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách như: lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Là một tỉnh có vị trí chiến lược của vùng Đồng bằng sông Hồng, sau khi tái lập vào năm 1992, Ninh Bình từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm đã có bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực, duy trì tốc độ tăng trưởng cao qua các thời kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân giai đoạn 1992-2010 đạt 12,8%/năm, giai đoạn 2011-2021 đạt 7,7%/năm.

(Trích phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo khoa học Ninh Bình – 30 năm đổi mới, sáng tạo và phát triển của Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc ngày 18/3/2022)

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2021 đạt trên 26.893 tỷ đồng, gấp 592 lần so với năm 1992. Thu ngân sách đạt kết quả cao, năm 2021 đạt 22.094 tỷ đồng, trong đó thu cân đối đạt 18.869 tỷ đồng, gấp 474 lần so với năm 1992, số thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, là tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022.

Sản xuất công nghiệp phát triển, trở thành động lực chính để phát triển kinh tế – xã hội. Các ngành dịch vụ phát triển, trong đó du lịch phát triển mạnh mẽ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng có, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đặc biệt từ năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực cho sự phát triển du lịch Ninh Bình. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình trở thành trung tâm, điểm sáng du lịch, khẳng định vị trí và thương hiệu trong nước và quốc tế. Năm 2019, tỉnh đã đón 7,65 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững. Diện tích trồng lúa đặc sản, chất lượng cao năm 2020 chiếm 70%, giá trị trên 1 ha đạt 135 triệu đồng.

Đến năm 2021, Ninh Bình có 4 huyện đạt nông thôn mới và TP. Tam Điệp hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 117/119 xã đạt nông thôn mới (98,3%). Đã có 17 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Nho Quan và TP. Ninh Bình hoàn thành tiêu chí, hồ sơ xét công nhận đạt huyện nông thôn mới. 95,5% người dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển hiện đại, đồng bộ

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện năng, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu  ngày càng cao của kinh tế – xã hội.

Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư xây dựng hiện đại như  tuyến đường Đông – Tây, Bái Đính – Ba Sao, đường bộ ven biển, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, tuyến cao tốc qua Ninh Bình, đường ĐT 477, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ…, cùng hàng ngàn km đường nông thôn, nội thị.

Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch phát triển đột phá với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Khu hang động Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động… Toàn tỉnh có gần 700 cơ sở lưu trú, 15 khách sạn đạt 3 – 4 sao.

Hạ tầng thương mại được nâng cấp, xây mới theo hướng xã hội hóa. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư phục vụ sản xuất, phòng, chống lụt bão, biến đổi khí hậu, với các dự án trọng điểm như đê biển Bình Minh IV, âu Kim Đài… Hệ thống điện phát triển nhanh, đảm bảo phục vụ cơ bản nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.

Tỷ lệ trường học đạt kiên cố hóa cao, nhiều bệnh viện lớn được xây dựng ; các thôn, xóm, phố đều có nhà văn hóa. Hạ tầng bưu chính viễn thông tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa với 2.010 trạm thu phát sóng di động, 100% các xã, phường, thị trấn, trường học sử dụng Internet tốc độ cao.

Đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế và văn hóa

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội.

Giáo dục – đào tạo phát triển cả quy mô và chất lượng. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư… 100% số trường học  có phòng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối Internet tốc độ cao, 451/474 trường đạt chuẩn quốc gia (95,1%), liên tục trong top đầu cả nước về điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT.

Y tế đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, tổng giường bệnh tăng 2,3 lần, cán bộ y tế tăng 2,7 lần so với năm 1992. Đến năm 2020, có 141 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 98,6%.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện  đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công, người nghèo. Dạy nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,05%.

Công tác thông tin, truyền thông có nội dung và hình thức phong phú. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được duy trì và phát triển. Phong trào thể dục – thể thao ngày càng nâng cao.

Hoạt động khoa học công nghệ đạt nhiều kết quả. Công tác thi đua, khen thưởng kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đưa Ninh Bình tham gia đầy đủ vào trục liên thông văn bản quốc gia và Chính phủ điện tử.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được mở rộng, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo môi trường an toàn, thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh.

Quán triệt và thực hiện tốt phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh,  chăm lo, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Hệ thống chính trị vững mạnh, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên

Hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh, phương thức, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm chỉ đạo toàn diện, trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tốt. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng thường xuyên, đồng bộ, sâu, sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong xã hội, nhân dân.

Triển khai sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với “10 xây”, “10 chống” trong  toàn Đảng bộ tỉnh.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được nâng cao. Hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ với chất lượng ngày càng được nâng lên. Đã bám sát thực tiễn, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm; hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo tổ chức thực hiện được nâng lên. Kịp thời quán triệt, cụ thể hóa sự chỉ đạo của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, đã đơn giản hóa 229 thủ tục.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các hội quần chúng tiếp tục được đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giữa HĐND với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên; phối hợp giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; tổ chức tốt các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế. Các hội quần chúng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.