Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà tư vấn xây dựng người Anh, ông Ken Wilson đã làm việc cho một số công ty Việt Nam và công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài gần 4 năm, nhưng ông vẫn chưa hiểu đầy đủ về các khía cạnh của hệ thống BHXH.

“Tôi có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng tôi được biết thẻ này chỉ áp dụng ở một số bệnh viện công, nên tôi chưa bao giờ sử dụng. Tôi cũng biết hàng tháng có một khoản khấu trừ từ tiền lương của tôi để đóng thuế và bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, tôi không hiểu rõ liệu mình sẽ sử dụng các lợi ích của bảo hiểm này như thế nào và bằng cách nào”, ông Ken Wilson nói.

Tương tự, Michelle Davis, một công dân Mỹ đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi hiểu rằng, khi sống ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định và điều luật, cho dù có khác biệt so với tại quê hương mình. Mặc dù tôi không nghĩ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho tôi, nhưng tôi vẫn đóng góp”.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 99.876 người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, với mức lương bình quân đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp là 260 USD/người/tháng. Dù đây là con số không nhiều so với tổng thu nhập, nhưng nếu người lao động nước ngoài không ý thức được quyền lợi bảo hiểm của mình, việc khấu trừ lương hàng tháng có thể tạo thêm gánh nặng không đáng có cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Căn cứ Nghị định số 143/2021/NĐ-CP (Nghị định 43), kể từ ngày 1/1/2022, người lao động nước ngoài đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Cộng với mức đóng góp 14% từ người sử dụng lao động, tổng mức đóng BHXH cho người lao động nước ngoài đã tăng lên đáng kể.

Ông Hùng Phan, Giám đốc điều hành Papaya Insurtech đánh giá, hiện vẫn tồn tại một số thách thức đối với lao động nước ngoài khi tham gia bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam.

“Thách thức lớn nhất là quy trình rút các khoản đã đóng khi họ rời khỏi Việt Nam, vì thủ tục chính xác vẫn chưa rõ ràng, bao gồm cả thời gian xử lý và cách thức chuyển tiền ra khỏi Việt Nam nếu người đó đã chuyển đến đất nước khác”, ông Hùng Phan nói.

Riêng đối với bảo hiểm y tế, ông Hùng Phan cho biết thêm: “Tận dụng tối đa quyền lợi bảo hiểm này cũng là một vấn đề, vì thường được áp dụng nhiều nhất tại các bệnh viện công, nơi rào cản ngôn ngữ gây khó khăn cho người nước ngoài khi điều trị và hoàn tiền”.

Bên cạnh đó, đôi khi giấy tờ tùy thân của người lao động chỉ có ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, điều này gây ra rắc rối trong quá trình đăng ký, xác minh và giao dịch bảo hiểm.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia khác, nguồn lực lao động giữa các quốc gia trong khuôn khổ hợp tác đa quốc gia được dự báo sẽ tăng lên. Những lao động nước ngoài này có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả Việt Nam và quốc gia của họ. Do đó, một thách thức khác là phải đồng bộ hóa hệ thống hồ sơ của các nước để đảm bảo quyền và nghĩa vụ bảo hiểm xã hội.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, việc đóng bảo hiểm bắt buộc sẽ thu hẹp khoảng cách về lương và đẩy mạnh bình đẳng giữa nhân viên Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về mức chi phí tăng khi tuyển người lao động nước ngoài.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài và đang tiến hành hướng dẫn các cơ quan BHXH địa phương cùng phối hợp giải quyết vấn đề này.

Một cán bộ của BHXH Việt Nam cho biết: “Nghị định 143 là chính sách mới, không có thông tư hướng dẫn kèm theo. Chính vì vậy, chúng ta cần hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ bằng cách xác định chính xác số lượng lao động nước ngoài trong từng khu vực pháp lý”.

Để giải quyết các khả năng xảy ra thanh toán kép, Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến đàm phán các hiệp định song phương. Tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã ký hiệp định song phương về BHXH với Hàn Quốc, công nhận thời gian tham gia BHXH của cả hai nước nhằm tránh tình trạng đóng BHXH hai lần cho cả công dân Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là hiệp định song phương toàn diện đầu tiên của Việt Nam về bảo hiểm xã hội.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã từng bước nâng cao nhận thức và hỗ trợ người lao động nước ngoài hiểu rõ về các quyền lợi bảo hiểm. Đại diện Công ty nhân sự Talentnet chia sẻ: “Mọi sự điều chỉnh đều cần thời gian để triển khai và thích ứng. Theo kinh nghiệm tư vấn của chúng tôi cho nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam, họ thường có những chiến lược hoạch định tốt không chỉ để tuân thủ luật pháp địa phương, mà còn đảm bảo đầy đủ lợi ích cho người nước ngoài”.

Bà Linh Nguyễn, Giám đốc khu vực của Point Avenue – một công ty sử dụng tới 40% lao động nước ngoài cho biết, Công ty đã soạn thảo quy trình toàn diện để đảm bảo việc áp dụng Nghị định 143 đối với lao động nước ngoài được suôn sẻ.