.
Phiên họp sáng 10/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 10/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã  xem xét dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trình bày tờ trình của Toà án Nhân dân tối cao về nội dung trên, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, dự án Pháp lệnh này có nhiều nội dung tương ứng với Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 của UBTVQH quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (người bị đề nghị) và việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên dự thảo pháp lệnh đặt ra mục tiêu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý của người dưới 18 tuổi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) Lê Thị Nga, dự thảo Pháp lệnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, liên quan đến điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại, bà Nga cho biết đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh.

“Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định về nội dung này; do đó, nếu không quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì không có căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành. Khi quy định trình tự, thủ tục đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì cũng cần quy định các điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành ngay trong dự thảo Pháp lệnh. Quy định này phù hợp với thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy”, Chủ nhiệm Nga giải thích.

Một nội dung quan trọng khác được cơ quan thẩm tra đề cập là thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Pháp lệnh không quy định vấn đề này. Uỷ ban Tư pháp có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến cho rằng, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là người có bệnh và cần được chữa bệnh. Do đó, dự thảo Pháp lệnh không nên quy định thời hiệu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi người nghiện ma túy có hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, nhưng trong một thời gian hợp lý (khoảng 3 tháng) kể từ ngày có hành vi mà không bị xem xét đưa đi cai nghiện bắt buộc, thì không đề nghị xem xét, quyết định đưa họ đi cai nghiện nữa.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, “Pháp lệnh này cũng là một văn bản quy phạm pháp luật nhạy cảm, vì liên quan đến quyền trẻ em”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An Ninh Lê Tấn Tới bày tỏ sự nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra, theo đó không quy định thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không nên quy định, vì đây không phải xử lý tội phạm.

Ông Lê Tấn Tới cũng đề nghị quy định Viện Kiểm sát Nhân dân không chỉ kiểm sát trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà còn kiểm sát cả việc chấp hành pháp luật của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp; thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu để bảo đảm việc giải quyết đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng quy định của pháp luật.

Bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành pháp lệnh, song Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng chỉ ra một số quy định mà ông cho là kẽ hở, có thể bị lợi dụng tại Điều 16 dự thảo Pháp lệnh, theo đó Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có “Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại điện hợp pháp của người bị đề nghị thực hiện việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký các chất dạng thuốc phiện thay thế về điều trị cai nghiện”.

Theo Thứ trưởng Hùng thì “đây là sơ hở các đối tượng sẽ lợi dụng để chây ỳ, dây dưa không chịu chấp hành, và cũng gây tốn kém cho các cơ quan lập hồ sơ. Nếu họ đã tự nguyện thì không để đến lúc cơ quan chức trách phải hoàn thiện hồ sơ”.

Dự kiến, dự thảo pháp lệnh này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào cuối đợt 2 của phiên họp này.