Chứng khoán căng thẳng theo xung đột Nga – Ukraine

Việc những cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 cũng như những nhóm ngành chính của thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… sụt giảm mạnh, cộng thêm khối ngoại liên tục bán ròng với hàng ngàn tỉ đồng mỗi phiên (khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 5.269 tỉ đồng, là tuần bán ròng mạnh nhất từ giữa tháng 8-2021 đến nay) đã khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách rút khỏi thị trường để bảo toàn đồng vốn. Điều này thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch lên rất cao khi thị trường giảm mạnh và dòng tiền nhập cuộc yếu ớt khi thị trường hồi phục.

Trước diễn biến khó lường của thị trường tài chính toàn cầu và trong nước, các chuyên gia lẫn công ty chứng khoán đều có khuynh hướng thận trọng về diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 14 đến 18-3. Tuy vậy, vẫn có không ít ý kiến tiêu cực khi cho rằng VN-Index có thể giảm mạnh về mốc hỗ trợ 1.425 điểm nếu xung đột Nga – Ukraine không có chuyển biến tích cực.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, dự báo VN-Index trong tuần này vẫn vận động trong vùng 1470-1.500 điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà đầu tư cần đánh giá tác động của rủi ro lạm phát lên thị trường chứng khoán hiện nay trước khi mở trạng thái mua mới. Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản và gỗ nội thất đang thuận lợi về sản lượng và giá bán. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm chỉ có thể mua cho vị thế trung hạn.

Các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định VN-Index đã xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.470 điểm vào cuối tuần qua, đi kèm với khối lượng giao dịch tăng lên cho thấy tín hiệu khá tiêu cực. “Với diễn biến này, nhiều khả năng chỉ số có thể điều chỉnh tiếp về vùng hỗ trợ đầu tiên 1.445-1.450 điểm và vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.425-1.400 điểm” – SSI dự báo.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng thị trường chưa có tín hiệu cụ thể về xu hướng sẽ sớm đảo chiều tăng trở lại, trong khi rủi ro suy yếu vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, các phiên tới, thị trường có thể hồi phục kỹ thuật nhẹ để kiểm tra lại cung cầu. Nhà đầu tư có thể cân nhắc nhịp hồi phục này để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục và giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức an toàn. Nếu giải ngân lúc này thì chỉ nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng nghi ngờ đà hồi phục của thị trường chứng khoán và cho rằng tâm lý nhà đầu tư chưa cải thiện. Dù vậy, trong dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn có nhiều triển vọng khi mà nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang có được sự ổn định so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, lạm phát có thể tăng cao trong quý I do giá xăng dầu tăng nhưng nếu tính chung trong cả năm vẫn có khả năng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.


Sơn Nhung