Công trình đã xây xong phần thân đập, hệ thống kênh chính, hồ chứa luôn đầy nước thế nhưng hàng trăm ha đất của người dân vùng hạ du vẫn khô khát. Nguyên nhân do chưa có hệ thống kênh nhanh nên không thể dẫn nước đến đồng ruộng.

Tương tự, hồ chứa nước Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) được đầu tư xây dựng gần 230 tỉ đồng. Dự kiến, khi hoàn thành sẽ cấp nước cho 620 ha lúa nước và 1.000 ha cây công nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay công trình chỉ mới cung cấp nước tưới cho gần 200 ha cây trồng do chưa được xây dựng hệ thống kênh nhánh.

Tỉnh Gia Lai còn nhiều thủy lợi khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như thủy lợi Pleikeo, Tầu Dầu 2…

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, nguyên nhân là do thiếu kinh phí. Cụ thể, các dự án thủy lợi phụ thuộc vào nguồn vốn của trung ương nên khi xin kinh phí thì tập trung xây dựng phần đập và hệ thống kênh chính. Còn hệ thống kênh nhánh phải dựa vào nguồn vốn của tỉnh.

Thủy lợi xây xong, đồng ruộng vẫn khô khát - Ảnh 1.

Đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng nhiều dự án thủy lợi không hiệu quả, gây lãng phí

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho biết đối với công trình thủy lợi đã hoàn thành phần thân đập, sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn xây dựng các tuyến kênh mương để phát huy tác dụng công trình. Thời gian tới, khi làm dự án thủy lợi sẽ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị sử dụng lập dự án phối hợp tính toán công suất tưới của hệ thống đập, từ đó xây dựng số kilômét kênh mương để đưa vào tổng mức đầu tư công trình cho đồng bộ.

Đối với các công trình thủy lợi đã đầu tư xây dựng nhưng không phát huy được hiệu quả, lãng phí ngân sách, HĐND tỉnh Gia Lai đã ra nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ.

Theo đó, sẽ hoàn thiện 4 hệ thống kênh của hồ thủy lợi Ia Rtô, Tầu Dầu 2, Plei Keo và Plei Thơ Ga và xây dựng hồ thủy lợi tại huyện Đăk Pơ, huyện Chư Pưh với tổng kinh phí gần 500 tỉ đồng. Hiện HĐND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Bên cạnh đó, yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư. 

Đại thủy nông không có vùng tưới

Thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là “đại thủy nông” khi có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dung tích 180 triệu m3, diện tích mặt nước trên 2.800 ha. Thủy lợi này có mục tiêu cấp nước tưới cho hơn 14.000 ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 50.000 người của tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Ngoài ra, kết hợp giảm lũ hạ du, nuôi trồng thủy sản, du lịch.

Đến nay, thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành hệ thống đập đầu mối và các tuyến kênh chính Đông (vùng tưới Gia Lai) và chính Tây (Đắk Lắk). Tuy vậy, vùng tưới của công trình này vẫn đang là đất rừng, chưa được chuyển đổi. Chỉ riêng tại tỉnh Gia Lai, có 8.000 ha đất trong vùng tưới là đất rừng.

Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với bộ, ngành rà soát việc thực hiện dự án công trình thủy lợi Ia Mơr để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả dự án.