Thực tế cho thấy phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh, mua bán các loại hàng hóa dễ cháy nhưng diện tích nhỏ, xây dựng không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn (nhà ống, không có lối thoát hiểm), không bảo đảm an toàn về PCCC (không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói…); có khối lượng lớn các chất có tính nguy hiểm cháy, nổ cao nhưng việc bảo quản, sắp xếp vật tư, nguyên liệu dễ cháy, nổ chưa tuân thủ quy định an toàn về PCCC; nhiều nơi điều kiện sản xuất – kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp.

Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định an toàn về PCCC của người dân còn thấp; nhiều gia đình bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà; hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa, mất khả năng cách điện; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém, không bố trí lắp đặt các thiết bị bảo vệ…

Để ngăn ngừa thảm họa do cháy, nổ, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức, tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn. Nhà nước cần nghiên cứu, áp dụng tách biệt nhà ở với nơi kinh doanh, sản xuất như nhiều nước đã và đang làm; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất – kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà… Song song đó, tăng cường kiểm tra đối với khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn theo phân công, phân cấp; kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục ngay các tồn tại, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về PCCC.