Tuy vậy, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Liệu với tư duy quản lý lâu nay của cán bộ và thói quen “mạnh ai nấy lấn” của người dân, quy định thay thế có giải quyết được tình trạng tận chiếm lòng đường, vỉa hè gây phiền toái cho người đi bộ, mất mỹ quan đô thị không? Có loại bỏ nguy cơ bảo kê, lách quy định?

Một nội dung rất được quan tâm là thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại những nơi đủ điều kiện về hạ tầng. Trong dự thảo, có 10 trường hợp đóng phí được liệt kê, cơ quan chức năng đang rà soát để tính toán những khu vực nào có thể áp dụng. Trong đặc thù kinh tế TP HCM bao gồm cả kinh tế vỉa hè, việc cấm đoán ngay sẽ khó khả thi thì phương án trên được tính tới là điều dễ hiểu.

Nhìn lại Quyết định 74, ở mục 3 điều 16 nêu rõ trách nhiệm UBND các quận, huyện: “Thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông”; tại mục 3 điều 17, UBND phường, xã, thị trấn “thực hiện chế độ báo cáo 3 tháng/lần và đột xuất cho UBND các quận, huyện về hiện trạng vỉa hè và tình hình vi phạm hành chính trong sử dụng vỉa hè thuộc phạm vi địa bàn quản lý”.

Nghĩa là nếu thực hiện tốt 2 mục trên thì khung cảnh đường phố hiện nay đã rất thoáng đãng và trật tự. Nhưng thực tế việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tràn lan; tư duy quản lý lòng đường, vỉa hè vẫn còn nhiều rối rắm.

Không thể phủ nhận nỗ lực xây dựng văn bản, thực hành văn bản về quản lý lòng đường, vỉa hè nhiều năm nay của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận những nỗ lực ấy mang lại hiệu quả chưa như mong đợi. Điển hình nhất gần đây, Báo Người Lao Động đăng loạt bài “Biến nơi công cộng thành lãnh địa riêng”, chỉ sau một thời gian rất ngắn “im ắng”, việc lấn chiếm vỉa hè tái diễn như chưa hề có các đợt ra quân kiểm tra, xử phạt…

Quy định pháp luật không những có mà còn có nhiều; lãnh đạo thành phố không ít lần hạ quyết tâm, thậm chí ra tối hậu thư xử lý người đứng đầu nếu để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xảy ra. Vậy mà không xử lý rốt ráo được! Một trong nhiều lý do chính là ý thức của cán bộ và người dân về vấn đề này. Người thực thi pháp luật chưa nghiêm, thậm chí không thực hiện vì lợi ích nhóm; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn còn nương tay; người dân lờn luật, xem nhẹ lợi ích cộng đồng.

Quy định pháp luật, chế tài xử phạt chỉ phát huy hiệu quả khi người liên quan nắm rõ, tôn trọng và quyết tâm thực hiện. Chỉ khi đó mới mong chấm dứt được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, không còn kiểu ra quân xong đâu lại vào đó, vỉa hè vẫn ngang nhiên bị “xẻ thịt”.