Tại buổi làm việc về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn – mặn tổ chức sáng 22-4 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa nhận còn nhiều tồn tại xung quanh công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua. Tuy nhiên, việc quan trọng hiện nay là đánh giá diễn biến tình hình để có kiến nghị điều hành sắp tới cho phù hợp.
Ấm ức vì tờ khai biến mất
Đại diện Công ty CP Lương thực Bình Định phản ánh 2 tàu hàng của công ty cập cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang), khai tờ khai hải quan lúc 1 giờ 51 phút ngày 11-4 nhưng sau đó bị mất toàn bộ tờ khai trên hệ thống. Hậu quả là 9.700 tấn gạo đang nằm ở sà lan, doanh nghiệp (DN) bị hãng tàu thông báo phạt. Cộng thêm lượng gạo tồn ở cảng, ước tính thiệt hại của DN này lên hơn 100 tỉ đồng. “Hàng chúng tôi cập cảng trước ngày 24-3. Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Hải quan nhiều lần, nếu vẫn không được giải quyết, công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn” – đại diện DN này bức xúc.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), bày tỏ mong muốn sau quyết định cho xuất khẩu gạo nếp, có thể nhanh chóng giải tỏa được 500 container ngay trong ngày 22-4 bởi thiệt hại chi phí lưu container lên đến 350 triệu đồng/ngày. “Tiền trả hãng tàu hằng ngày cũng rất nhiều” – ông Hòa than phiền.
Vụ hè thu bắt đầu thu hoạch, lượng lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang khá dồi dàoẢnh: NGỌC TRINH
Chung cảnh ngộ, nhiều công ty xuất khẩu khác ấm ức vì “canh” giờ để khai tờ khai thành công nhưng lại bị xóa thông tin. Có trường hợp trước ngày 24-3, DN được phân luồng vàng nhưng sau khi có lệnh, hải quan lại chuyển hàng sang luồng đỏ (khu vực giám sát) khiến chi phí lưu hàng tăng, DN đứng trước khó khăn về tài chính.
Theo tổng hợp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 9 DN mở tờ khai hải quan thành công trên hệ thống nhưng sau đó bị mất dữ liệu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị phía hải quan xem xét và giải quyết sớm cho DN mất tờ khai từ chiều 22-4 để giảm bớt thiệt hại. Song song đó, ưu tiên xử lý cho các lô hàng tại cảng trước ngày 24-3, sau đó giải quyết tiếp lượng hàng tồn trong kho của DN.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết đã yêu cầu đơn vị phụ trách khẩn trương rà soát lại tổng thể trên hệ thống và kịp thời xử lý. “Ngay trước ngày 24-3, tổng lượng hàng DN ký hợp đồng xuất khẩu tháng 4 là 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, hạn ngạch xuất khẩu gạo mà Chính phủ cho phép chỉ 400.000 tấn nên tồn tại nhiều bất cập. Do đó, hải quan cũng khá lúng túng trong giải quyết” – ông Thành phân trần và cho hay dựa trên tổng hợp số liệu cụ thể, tháng 5 sẽ giải quyết số hàng tồn của tháng 4.
Đề xuất bỏ hạn ngạch
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, kiến nghị từ tháng 5, có thể xuất khẩu gạo bình thường theo Nghị định 107/2018 bởi diễn biến dịch Covid-19 hiện nay đã rất khác so với thời điểm ngày 23-3. Ngoài ra, Ấn Độ cũng bắt đầu xuất khẩu trở lại nên tác động mạnh đến nguồn cung, giá gạo thị trường thế giới bắt đầu giảm và việc tạm ngưng xuất khẩu gạo đã bắt đầu tác động đến giá gạo trong nước. Ngoài ra, vụ hè thu bắt đầu thu hoạch, mở cửa xuất khẩu gạo bình thường góp phần giúp DN chớp “cơ hội vàng”, giá gạo thế giới cao.
Trường hợp chưa thể cho xuất khẩu bình thường, VFA kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án xuất khẩu gạo tháng 5 trình Chính phủ để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ hè thu đang chuẩn bị thu hoạch.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – người đã 4 lần gửi đơn kêu cứu bởi gặp khó khăn do hàng nằm chờ ở cảng, cho rằng cơ chế áp hạn ngạch là “cửa tiêu cực” và kiến nghị cho xuất khẩu không hạn ngạch. Đồng thời, nhanh chóng giải quyết hàng tồn ở cảng từ trước ngày 24-3 đến nay.
Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, nguồn cung và nhu cầu xuất khẩu đều rất lớn, an ninh lương thực đã được bảo đảm. Do đó, không nên cấp hạn ngạch. Về an ninh lương thực, ông đề xuất có thể thực hiện giải pháp giao địa phương lưu kho trên địa bàn tỉnh thay vì mua dự trữ. Đại diện các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ cũng nhìn nhận nhu cầu xuất khẩu gạo là cần thiết, từ đó đề nghị giải quyết hàng tồn tại cảng, kho, bỏ hạn ngạch xuất khẩu.
Ghi nhận các ý kiến của địa phương và DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng vấn đề an ninh lương thực cần được nhìn lại theo góc độ mới nhất. Đó là vụ đông xuân được mùa lớn, VFA còn tồn 1,9 triệu tấn gạo… Bởi vậy, trước mắt cần giải quyết xuất khẩu gạo nếp, tiếp đến giải tỏa hàng tồn tại cảng, sau đó đến hàng tồn trong kho của DN. “Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm trước nhân dân trong điều hành nhưng mong được thông cảm bởi đây là lần đầu tiên điều hành như thế. Có những cái chúng ta dự báo được nhưng có cái không dự báo được, như đăng ký tờ khai hải quan” – ông Trần Quốc Khánh phân trần và cho biết đã đề nghị hải quan thống kê hàng tại cảng để ưu tiên xuất khẩu và thu hồi các tờ khai khống nếu có.
Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng sẽ tiếp nhận các ý kiến để báo cáo Chính phủ phương án điều hành trong thời gian tới. Riêng với 100.000 tấn gạo được tạm ứng từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5-2020, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý cần thiết kế cơ chế phân bổ chỉ tiêu công bằng, minh bạch, giúp DN giải quyết được hàng tồn ở cảng.
Gạo bị “kẹt” ở cảng được miễn phí lưu bãi
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) vừa ban hành một số chính sách hỗ trợ hãng tàu và khách hàng liên quan đến mặt hàng lạnh nhập khẩu và gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, TCSG áp dụng chính sách miễn phí lưu bãi và phí đổi tàu xuất/đổi cảng chuyển tải đối với container hàng gạo đã đóng hàng hoặc hạ bãi chờ xuất tại cảng Tân Cảng – Cát Lái và Tân Cảng – Hiệp Phước trước 0 giờ ngày 1-4.
Trước đó, ngày 24-3, Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo đã khiến DN chịu áp lực phí kho bãi trong thời gian chờ được phép xuất khẩu trở lại.