Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp quy mô lớn, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1

Tại chỉ thị của Bộ Công Thương về các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu  Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp; Vụ Dầu khí và Than phải tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Các dự án công nghiệp quy mô lớn được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý gồm: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhiệt điện Long Phú I, Dự án Nhiệt điện Sông Hậu I.

Đối với các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện, Bộ trưởng đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045; xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện; không được để thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Vụ Kế hoạch phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3 năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA).

Cục Công nghiệp có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, đề xuất biện pháp để phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng đưa ra loạt giải pháp kích cầu thị trường trong nước, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước phải theo dõi sát thị trường, cùng các doanh nghiệp, địa phương có biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân theo từng cấp độ dịch bệnh.

Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước phải đôn đốc các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao chủ trì, phối hợp, tham gia cùng các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước để triển khai các biện pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.