Liên tiếp tăng quân cho NATO, Anh quyết kình Nga vụ Ukraine?

Chuyến đi của ông Johnson trong ngày 10-2 diễn ra cùng ngày với cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine ở Moscow giữa Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Phát biểu trước cuộc hội đàm với người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg tại Brussels, ông Johnson nhấn mạnh những nguyên tắc của NATO vốn không thể thoả hiệp gồm an ninh của các thành viên NATO và quyền của mọi nền dân chủ châu Âu mong muốn trở thành thành viên NATO, đồng thời bác bỏ yêu cầu của Nga về việc ngăn Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.

Sau khi rời Brussels, ông Johnson sẽ đến thủ đô Warsaw để gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki và một đơn vị quân đội của Anh đóng ở nước này, dự kiến tăng thêm 350 binh sĩ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Tổng thống Joe Biden tại Washington. Ảnh: Reuters

Anh cũng đang gia tăng gấp đôi số binh sĩ triển khai cho NATO ở Estonia, từ 900 lên 1.750 binh sĩ và có một lực lượng nhỏ ở Ukraine để hỗ trợ huấn luyện về tên lửa chống tăng của Anh.

Thủ tướng Johnson cũng cam kết tăng thêm 1.000 binh sĩ Anh được đặt trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ một cuộc ứng phó nhân đạo trong khu vực nếu cần.

Theo ông Johnson, Anh có kế hoạch triển khai thêm máy bay thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đến miền Nam châu Âu và hai tàu hải quân đến phía Đông Địa Trung Hải.

Trong thông điệp gửi đến Nga, ông Johnson cho rằng: “Những gì chúng ta cần thấy là ngoại giao thực sự chứ không phải ngoại giao cưỡng ép”.

Liên quan đến diễn biến căng thẳng ở Ukraine, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron thông báo về cuộc gặp trong tuần này của ông với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Nhà Trắng cho hay: “Cả hai đã nói về các cuộc họp gần đây của Tổng thống Macron. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang được thực hiện dựa trên sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, nhằm đáp lại việc Nga tiếp tục tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 8-2 cho biết Tổng thống Biden có kế hoạch gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sớm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm hôm 7-2 tại Điện Kremlin, Moscow. Ảnh: AP

Ông Macron đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, những tín hiệu lạc quan về nỗ lực ngăn Nga tấn công Ukraine đã xuất hiện hôm 9-2 sau tuyên bố tích cực của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng lãnh đạo Ukraine và Nga rằng nỗ lực ngoại giao có thể mang lại hiệu quả.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nỗ lực ngoại giao đang tiếp tục giúp hạ nhiệt căng thẳng. Ông Scholz cũng cho biết ông nhận thấy sự tiến triển sau một loạt các cuộc đàm phán ở nhiều cấp độ khác nhau.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói với truyền thông có những tín hiệu tích cực rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dựa trên việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, thỏa thuận hòa bình được Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký kết nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2014.


Xuân Mai