Tổn thất cho tất cả các ngành
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của thành phố Hà Nội vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố tại phiên họp tập thể UBND TP thường kỳ tháng 2/2020 cho thấy, nền kinh tế đang gặp thách thức trước những diễn biến khó lường của dịch Sars CoV-2.
Hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã bị ảnh hưởng, điển hình là du lịch, xuất nhập khẩu, lao động cũng như các ngành sản xuất có nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia này.
Số liệu từ Cục thống kê TP. Hà Nội vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 1,7 tỷ USD giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,7 tỷ USD giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%).
“Dự báo sản xuất công nghiệp quý I/2020 vẫn tăng ở mức 5,75%, tuy nhiên thấp hơn mức tăng của các năm trước. Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn còn gặp khó khăn”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nhận định.
Dĩ nhiên, ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là ngành du lịch khi tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 2 sụt giảm tới 45%. Kéo theo tổng thu từ khách du lịch cũng giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách Trung Quốc giảm mạnh nhất 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%… Khách du lịch nội địa giảm 21,2%.
Thị trường bất động sản, nhà ở và công trình giao thông “chững lại” do dịch bệnh. Sự thiếu hụt nguồn lao động cùng với tâm lý hạn chế nơi đông người khiến các dự án giao thông, bất động sản có nguy cơ chậm tiến độ.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho rằng, Dệt may và Da dày là ngành hàng bị ảnh hưởng rõ rệt nhất, với nguồn nguyên, phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nhóm ngành sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải cũng không loại trừ.
“Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Kể cả trong trường hợp tìm được nguồn cung mới thì giá thành có thể cao hơn so với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, làm mất sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Công Thương lo ngại.
Cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được xem là giải pháp tối ưu để TP. Hà Nội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. |
Cơ hội cho những ngành mới
Tại Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh Sars CoV-2 đến tăng trưởng kinh tế – xã hội của TP Hà Nội vừa diễn ra cách đây ít ngày, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020 trong bối cảnh có dịch bệnh.
Cụ thể, kịch bản 1 là dịch sẽ kết thúc trong quý I, quý II lấy lại đà tăng trưởng và sẽ tăng 7,53% – vẫn đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là kiểm soát được dịch trong quý I nhưng vẫn bị ảnh hưởng sang các quý sau, GDP sẽ tăng 7,06%. Kịch bản 3 là dịch kéo dài đến quý II nhưng ảnh hưởng tới các quý sau khiến GDP chỉ tăng 6,57%.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho rằng dù ở kịch bản nào, Hà Nội cần tập trung vào kích cầu đầu tư bao gồm thúc đẩy đầu tư công, đầu tư nước ngoài và đầu tư cá thể.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, có 35% DN phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và chuyên gia nước ngoài; có hơn 50% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Nếu trong tháng 3 dịch chưa đứng, nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu sẽ không có tăng trưởng. Thậm chí. mức suy giảm của ngành này là khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh,” ông Thăng đánh giá.
Mục tiêu tăng trưởng từ 7,53% trở lên được đánh giá là thách thức rất lớn. Dù vậy, thành phố Hà Nội cho biết sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp để giữ vững mức tăng trưởng GRDP năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hà Nội, mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề như du lịch, công thương, nhưng cũng có thể nhìn thấy cơ hội và thuận lợi sau khi dịch bệnh hết. Do đó cần tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch và phù hợp với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
“Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn, vì thế chắc chắn, khi không còn nỗi lo dịch bệnh sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch và người dân tham gia”, Chủ tịch Hà Nội lạc quan tin tưởng.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề mới, nhất là trong lịch vực dịch vụ nhiều tiềm năng có thể tận dụng cơ hội phát triển; các chương trình xúc tiến đầu tư ở các thị trường nước ngoài có thể khai thác… Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng các ngành Du lịch, Công Thương, Nông nghiệp…tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ chủ động tiếp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại.