Hơn 2 năm qua, Việt Nam đã dần đi qua đại dịch COVID-19 một cách kiên cường. Trong đó, công lớn nhất thuộc về ngành y tế với những chiến binh áo trắng đã ròng rã đứng ở tuyến đầu chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát. Nhưng những người trong ngành y lại đang đứng trước muôn vàn khó khăn và cả những tổn thương…

Khó khăn bủa vây

Theo Bộ Y tế, trong vòng 18 tháng (từ tháng 1-2021 đến cuối tháng 6-2022), cả nước có khoảng 9.700 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Lý do chính là công việc vất vả nhưng thu nhập quá thấp. 

GS-TS Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội – nói rằng 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. 

“Cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ có 18.600 đồng/đêm” – GS-TS Nguyễn Anh Trí dẫn chứng.

Với những y – bác sĩ còn bám trụ với nghề, khó khăn bủa vây lớn nhất là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và sinh phẩm y tế. 

Mới đây, tại buổi thảo luận tổ trong chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị đến nay hơn 8 tháng, các bộ – ban – ngành đã có rất nhiều cuộc họp lắng nghe nhưng vẫn chưa có thay đổi nào về mặt chính sách. 

“Tất cả nhân viên y tế ở các bệnh viện vẫn đang loay hoay không biết mua sắm thế nào cho đúng… Hiện thời gian làm chuyên môn của nhân viên y tế giảm đi rất nhiều để tập trung vào mua sắm, đấu thầu, dẫn đến rất nhiều khó khăn” – TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Theo Sở Y tế TP HCM, trong năm nay đã 3 lần có văn bản xin được cung ứng vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng quốc gia. Có đến 6/11 loại vắc-xin ngừa các bệnh nguy hiểm cho trẻ ở TP HCM đã hết hoặc sắp hết nhưng xin nhiều lần vẫn chưa có.

Như muối xát vào tim! - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại Đơn vị Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) vẫn tất bật trong ngày 29 Tết Nhâm Dần 2022 Ảnh: ANH THƯ

Bị tấn công theo tâm lý đám đông

Trong bối cảnh thiếu thốn, khó khăn trăm bề đó, những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á hay sự cố “rắn ngậm phong bì” khiến ngành y chao đảo. 

“Chỉ một sai sót về hình ảnh logo của Bộ Y tế tại một cuộc thi nhưng nhân viên y tế như chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm ghê gớm khi đọc được những phản hồi trên các trang mạng với lời lẽ xúc phạm, thậm chí mặc định hình ảnh này phản ánh đúng thực tế ngành y hiện nay.

Hơn 10 năm làm nghề, tôi khẳng định chưa làm điều gì hổ thẹn với lương tâm, trách nhiệm của một người thầy thuốc. Có thể đâu đó có “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng những sai phạm ấy đã và đang được xử lý” – bác sĩ P.A, công tác tại một bệnh viện tuyến trung ương, cho biết.

Còn bác sĩ L.V.Q, đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội, tâm sự “cảm thấy như bị xát muối vào tim” khi đọc những lời cay độc của cộng đồng mạng. 

“Nhiều khi họ đánh đồng tất cả mọi thứ để mặc nhiên cho phép mình cái quyền được xúc phạm, chửi bới người khác mà quên rằng thầy thuốc đã chăm sóc, cứu sống người bệnh” – bác sĩ L.V.Q tâm tư.

Từng làm những công việc liên quan đến ngành y, chị Vũ Liên H. ở Hà Nội cho rằng không chỉ ngành y mà hầu như ngành nào cũng có “tì vết” nhưng có một thực tế là nhiều người đang tấn công ngành y theo tâm lý đám đông. 

Thậm chí nhiều người cảm thấy rất hả hê khi buông những lời xúc phạm nhân viên y tế. “Liệu rằng những lúc khó khăn nhất về sức khỏe thì người đầu tiên họ muốn tìm gặp nhất có phải là bác sĩ không mà lại quá dễ dãi khi phán xét người khác như vậy?” – chị H. đặt câu hỏi.

Giải quyết khó khăn cho ngành y là vấn đề cấp bách

Không bào chữa cho những sai phạm của cán bộ y tế nhưng GS-TS Nguyễn Anh Trí cho rằng cán bộ y tế một khi được cử lên làm quản lý thì người đó không kém về năng lực chuyên môn và cả đạo đức.

Tuy nhiên, quá trình làm việc, họ đã phạm phải sai lầm. Thực tế, ai làm sai sẽ bị xử lý thích đáng. GS-TS Nguyễn Anh Trí bày tỏ mong muốn sau những lời chê trách, những biện pháp xử lý đúng người, đúng tội, các cán bộ ngành y tế rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ về nhiều mặt để vững vàng tiếp tục sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Quốc hội, Chính phủ cần tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế như nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành y tế” – ông Nguyễn Anh Trí đề nghị.