Tôi cũng từng là hành khách trên những chuyến xe, cung đường như vậy. Với lộ trình chỉ hơn 100 cây số về quê mà có khi từ sáng đến chiều mới tới. Một thực tế là rất nhiều xe tham gia giao thông chỉ với một vài người, có khi xe 16 chỗ chỉ chở 2-3 người, thậm chí chỉ duy nhất tài xế.

Ở Pháp, dù hệ thống vận chuyển hành khách rất tốt, tình trạng tắc đường, thiếu xe ít khi xảy ra nhưng lại có một dịch vụ vận chuyển rất hay. Như tôi làm việc cách Paris 120 km, phương tiện đi lại là xe lửa. Một ngày vô tình vào trang web của một hãng vận chuyển, tôi phát hiện có dịch vụ “quá giang”. Đó là xe của những người không làm nghề vận chuyển. Khi có chuyến đi đường dài mà xe còn nhiều chỗ trống, họ sẽ đăng lên trang web lộ trình, thời gian, giá cả (tất nhiên là giá rất mềm). Dịch vụ này gần như “phủ sóng” toàn quốc và trang web chỉ làm trung gian hưởng hoa hồng.

Tôi đã có vài chuyến đi như thế. Nếu thuận tiện, họ có thể đón, trả khách tận nhà. Không hẳn họ làm việc đó vì tiền, mà có thể vì quan điểm tiết kiệm, tính cộng đồng cao hoặc vì có người đi cùng đoạn đường xa sẽ đỡ buồn. Tôi từng được rước bằng ôtô 7 chỗ dòng cao cấp. Chủ nhân là một kỹ sư trưởng, nhà ở Paris đi làm xa. Tính tình ông cởi mở, xe thì sang mà giá thì… bèo. Ông cho biết tuần nào lên xuống cũng rước vài người.

Tôi còn biết có quốc gia áp dụng chính sách ưu tiên về nhiều mặt cho các xe đi đủ số người, nhằm hạn chế tình trạng giao thông đông đúc, quá tải. Tất nhiên, không phải cái gì ở nước ngoài cũng làm được và phù hợp với Việt Nam nhưng đó là cách làm hay, nên học hỏi. Tình trạng “xe không” ở Việt Nam khá phổ biến. Nhiều người có điều kiện, khi đi xa thường thuê xe một chiều, tất nhiên chiều ngược lại là xe không. Hay xe đưa người đi khám bệnh, đi công việc… cũng thường có tình trạng nhàn rỗi. Nếu các xe này cùng tham gia sẽ giải quyết được một lượng hành khách đáng kể, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

Vấn đề còn lại là tổ chức như thế nào. Tôi thấy không khó nếu mọi người, nhà tổ chức và nhà nước cùng làm vì cái tâm, vì cộng đồng, đặt sự an toàn, an ninh, lợi ích của người dân lên trên hết. Kế đến là việc thay đổi quan điểm sống riêng tư, hời hợt, không thích đụng chạm, phiền hà.

Thật ra, cho đi cùng xe tại Việt Nam cũng đã manh nha nhiều năm trước. Nhiều người bạn tôi là bác sĩ, cứ vào cuối tuần đi khám tăng cường cho các tỉnh thường đưa lịch trình trên… Facebook. Khách hầu hết là người quen nhưng cũng cho nhiều sinh viên xa nhà “quá giang”. Tôi cho rằng đây là lúc để chúng ta nhóm lại hơi ấm cộng đồng, sống tiết kiệm, văn minh, sẻ chia, gần gũi.