Bày tỏ quan điểm trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 24/4, ông Long phân tích, Việt Nam còn rất ít ca bệnh mới, nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, người mang virus. Cơ quan y tế đã tổng kết nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, biểu hiện như cảm cúm… Những trường hợp này rất dễ bị bỏ qua khi sàng lọc.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng xác định, có thể tồn tại một số người mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
“Chúng tôi rất lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai. Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore bị làn sóng thứ hai xâm nhập và phát triển trong một cộng đồng mà không biết, đến khi xảy ra trên diện rộng thì mới phát hiện. Nếu chúng ta cũng như vậy thì hệ thống y tế sẽ rất khó khăn”, Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
Ông Long cho rằng cần kiểm soát từng chuyến bay, hành khách nhập cảnh và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chống dịch bệnh. Cơ quan y tế sẽ điều chỉnh lại vấn đề xét nghiệm. Tất cả những người có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan đến bệnh cúm thông thường sẽ được xét nghiệm ngay. Những khu công nhân, nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế cũng được tăng cường xét nghiệm.
Trả lời VnExpress, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, cũng cho rằng Việt Nam vẫn có nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Nguồn lây có thể từ những người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện rõ ràng hoặc từ những người nhập cảnh. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao.
Ông lý giải, thời gian qua, nguyên tắc và các biện pháp chống dịch của Việt Nam đã chứng tỏ hiệu quả. Nhà chức trách đã làm tốt việc phát hiện ca dương tính nCoV và nhanh chóng thống kê được những người có liên quan. Nếu tiếp tục xảy ra các ca lây nhiễm trong cộng đồng, hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương sẽ ứng phó kịp thời. “Hơn nữa, sau ba tháng sống chung với dịch bệnh, ý thức và kỹ năng phòng dịch của người dân đã tốt hơn rất nhiều”, ông nói.
Để chuẩn bị ứng phó nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai, ông Nga ủng hộ giải pháp tăng cường xét nghiệm nCoV với tất cả người có triệu chứng cúm hoặc nghi ngờ. “Nếu xảy ra trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng, nhà chức trách cần cách ly từng địa bàn nhỏ như thôn, xã, làng, bản… thay vì cách ly trên diện rộng như trước đây. Thậm chí, nên tính phương án cách ly một vài hộ gia đình xung quanh ca dương tính. Giải pháp này đảm bảo kiểm soát dịch và ít ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội”, ông Nga đề xuất.
Đến trưa 25/4, Việt Nam ghi nhận 270 ca nhiễm nCoV, trong đó 225 người được chữa khỏi, chưa có người tử vong. Cả nước đang cách ly gần 55.000 người, trong 280 người cách ly tại bệnh viện, hơn 7.000 người tại cơ sở tập trung, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.