Trên thị trường, giá một số loại rau củ, trái cây đang tăng nhẹ do thời tiết bất lợi và nguồn cung giảm sút do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19. Trong khi đó, tại siêu thị, quầy rau củ trái cây luôn đầy ắp.
Lo rau củ hút hàng, tăng giá
Mặc dù tổng lượng rau củ, trái cây về các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TP HCM như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn vẫn ổn định nhưng thống kê của các ban quản lý chợ cho thấy giá một số mặt hàng phổ biến như khổ qua, dưa leo, cà rốt, bông cải xanh, cải ngọt, bầu bí, tần ô… nhích giá nhẹ do sức tiêu thụ tăng. Tại các chợ lẻ, khổ qua, cà chua, dưa leo, bí xanh dao động 30.000-35.000 đồng/kg, các loại cải (xanh, ngọt, ngồng…) dao động 27.000-30.000 đồng/kg… dù sức mua vẫn còn chậm.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một HTX nông nghiệp (chuyên cung cấp các loại rau xanh cho một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM) cho hay diễn biến thị trường trong hơn 1 tháng nay rất phức tạp, có những thời điểm sức mua tăng gấp 3-4 lần nhưng đa số thời gian tiêu thụ rất chậm. “Nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trường học… vẫn chưa hoạt động trở lại khiến đầu ra cho sản phẩm bị thu hẹp; tiêu thụ tại các chợ, siêu thị cũng trồi sụt thất thường. HTX vẫn duy trì diện tích canh tác, thu hoạch để cung ứng theo đơn hàng đã ký kết với các hệ thống bán lẻ từ trước nhưng nhiều hộ dân đã thu hẹp diện tích canh tác, chờ sức mua tăng trở lại mới dám xuống giống tiếp” – vị giám đốc này nói.
Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op liên tục có các chương trình khuyến mãi lớn, tạo thuận lợi cho khách hàng mua sắm
Theo giới kinh doanh, khả năng giá rau củ, trái cây sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nắng nóng gay gắt hơn, các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn khiến cây trồng hư hại. “TP HCM đã dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh, dịch vụ sẽ dần phục hồi trong khi nguồn cung chưa kịp chuẩn bị đủ, khả năng sẽ dẫn đến thiếu hụt và tăng giá tạm thời” – giám đốc một công ty chuyên cung cấp rau VietGAP cho các siêu thị, nhà hàng cho hay.
Nỗ lực giảm giá
Dịch Covid-19 kéo dài hơn 3 tháng nay đã ít nhiều thay đổi thói quen tiêu dùng của cư dân các thành thị lớn. Theo đó, đa số khách hàng kéo dài chu kỳ mua sắm và có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn, đặc biệt quan tâm “săn” hàng khuyến mãi, giảm giá, nhất là hàng thực phẩm.
Chị Mai Trinh (ngụ quận 8, TP HCM) cho hay liên tục 2 tuần nay, chị chỉ mua thịt heo, rau củ, trái cây ở Co.opmart Tuy Lý Vương dù trước cửa nhà là chợ tự phát, bán đầy đủ các mặt hàng rau xanh thịt tươi. “Thịt heo ở Co.opmart luôn tươi ngon, ít mỡ hơn thịt heo ngoài chợ. Đang lúc thịt heo đắt đỏ, Co.opmart liên tục giảm giá thịt nên dễ mua hơn, cảm giác đỡ “ngán” tiền. Rau củ, trái cây cũng vậy, tôi cứ đổi món liên tục và “canh” mua những mặt hàng đang có khuyến mãi” – chị Trinh chia sẻ.
Hiểu và chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng trong đại dịch, thời gian gần đây, hệ thống hơn 800 điểm bán của siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi lớn và tạo thuận lợi, ưu đãi tối đa cho khách hàng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng lẫn khách mua hàng qua điện thoại hoặc ứng dụng Zalo, Viber.
Cụ thể, ngay trong tuần này, từ ngày 23 đến 29-4, hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm an toàn Co.op Food trên cả nước giảm giá 15% cho bưởi 5 roi, đu đủ vàng và táo đỏ Mỹ; giảm 20% cho khoai lang; giảm 20% cho bắp cải thảo, rau mồng tơi Co.op gói 500 g, khổ qua trái Co.op… Tiếp theo, từ ngày 30-4 đến 6-5 sẽ có thêm các mặt hàng cà rốt, bí đỏ tròn, dưa leo Co.op giảm 20%; chuối Lapa giảm 20%; ổi giống Đài Loan, cam sành và cam Ai Cập giảm 15%… Một số mặt hàng thịt heo, thủy hải sản cũng luân phiên giảm giá với mức giảm hấp dẫn, đủ để khách hàng cân đối bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm tối đa.
Ngoài ra, tại các siêu thị cũng có một số sản phẩm hàng nhãn riêng được áp dụng khuyến mãi: cải thảo Đà Lạt Co.op Select giảm còn 21.500 đồng/kg, ớt chuông 2 màu Co.op Select giảm còn 58.900 đồng/kg, bưởi năm roi Co.op Select giảm còn 38.500 đồng/kg…
Ổn định chất lượng, giá cả hàng hóa
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 và là nhà bán lẻ thuần Việt, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Saigon Co.op đã cam kết bảo đảm hàng hóa dồi dào và giữ ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có một số mặt hàng rau củ, thịt cá. Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều năm nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương trong cả nước để bảo đảm nguồn cung ổn định trong thời gian dài, hỗ trợ sản xuất lâu dài cho nông dân cũng như ổn định tiêu thụ, chất lượng, giá cả. Saigon Co.op liên tiếp khai thác từ các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ dân, tham gia liên kết đầu tư vào nông nghiệp, hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng nguồn hàng cung ứng cho hệ thống. Nhờ mối liên kết bền chặt này mà không chỉ nguồn cung được bảo đảm, giá cả ổn định mà chất lượng các mặt hàng, đặc biệt là hàng thực phẩm, rau củ quả đưa vào siêu thị cũng bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng may mặc khuyến mãi đến 40%
Thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, thị trường trang phục (bao gồm trang phục nam, nữ và trẻ em) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng hằng năm 8,7% giai đoạn 2020-2023. Riêng trong năm 2020 này, doanh thu thị trường ước tính đạt 6.193 triệu USD; trong đó, phân khúc lớn nhất là trang phục nữ sẽ đạt hơn 3.111 triệu USD.
Dung lượng thị trường đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp may mặc trong nước. Nhiều thương hiệu thời trang Việt không ngừng đa dạng mẫu mã, nâng cấp chất lượng sản phẩm, làm mới hình ảnh thương hiệu, đầu tư cho khâu bán hàng, hậu mãi để tranh thủ miếng bánh thị trường. Không những vậy, các doanh nghiệp còn cạnh tranh nhau để giữ “chỗ đứng” trong khu vực hàng may mặc ở các siêu thị.
Đại diện Saigon Co.op cho hay hiện có hơn 90% sản phẩm may mặc đến từ các nhà cung cấp trong nước, vốn là công ty, cơ sở sản xuất hàng may mặc có tiếng. Trong đó có không ít thương hiệu thời trang quen thuộc như Kim Thoa, Xuân Bến Thành, Khương Thới, Nhà Bè, Thế Vinh Khang, Đan Châu, An Thủy, An Nhơn… “Với mức tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, may mặc là một trong những ngành hàng được nhà bán lẻ chăm chút, liên tục tìm kiếm, làm việc với nhà cung cấp để bắt kịp những xu hướng thời trang của thị trường. Bên cạnh đó, nhóm hàng này cũng liên tục có mặt trong danh sách sản phẩm được khuyến mãi, giảm giá nhiều nhất để giúp khách hàng làm quen với thương hiệu và trải nghiệm sản phẩm” – ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết. Hơn 1.000 sản phẩm may mặc các loại đang giảm giá 20%-40%.
N.Minh