. |
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2020, diễn ra ngày 5/5 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 còn tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức.
Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất, đó là suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, việc thiết lập nền tảng cho tăng trưởng trở lại trong các tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình khống chế, kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới.
Thứ ba, thâm hụt tài khóa sẽ tăng lên trong năm nay do thu ngân sách giảm và Chính phủ phải thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ tư, luồng vốn vào Việt Nam bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, khi hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu bị gián đoạn.
Và thứ 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn có thể duy trì ở mức cao.
Liên quan đến các vấn đề này, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là rất khó đạt được.
Ngay cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ khi viện dẫn dự báo của IMF rằng năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 2,7%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cũng đã nhấn mạnh rằng, phải làm sao để tăng trưởng GDP không quá thấp, và phải cao hơn con số dự báo này.
Điều đó cho thấy, Chính phủ cũng đã xác định, tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức thấp, không thể đạt mục tiêu mà Chính phủ quyết nghị.
Đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu là một trong những nguyên ngân khiến kinh tế – xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các nền kinh tế có được tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận. IMF thậm chí còn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 sẽ ở mức -3%. Trong bối cảnh như vậy, dễ hiểu vì sao kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng.
Hiện tại, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 và đây là nền tảng quan trọng để nền kinh tế từng bước phục hồi. Tuy nhiên, khi mà các đối tác chủ yếu còn chưa kết thúc dịch, thì khả năng phục hồi kinh tế cũng chưa thể đạt được tốc độ nhanh, do giao thương, nguồn cung và thị trường vẫn còn bị gián đoạn.
Kinh tế toàn cầu đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Theo dự báo, không chỉ dòng đầu tư giảm mạnh, mà thương mại cũng giảm mạnh. Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy giảm này.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt thấp, ước khoảng 12,33 tỷ USD, chỉ bằng 84,5% so với cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ tăng 7,5%). Số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ASEAN, Mỹ, EU…
Trong khi đó, xuất nhập khẩu tháng 4/2020 giảm mạnh so với tháng trước. 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 79,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực trở lại từ quý III/2020, Việt Nam có thể hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Liên quan đến việc thâm hụt tài khóa, điều này đã được dự báo trước. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất – kinh doanh. Thu ngân sách trong tháng 4/2020 giảm 16,4% so với tháng trước, tính chung 4 tháng ước đạt 491,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng tiến độ; tăng chi cho các hoạt động ngăn chặn, phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Ở góc độ khác, nhiều dự báo cho thấy, lạm phát năm nay có thể duy trì ở mức cao. 4 tháng, CPI bình quân đã tăng 4,9% so với cùng kỳ. Con số này tuy thấp hơn tháng trước (5,56%), nhưng ở mức cao, đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, bên cạnh duy trì tăng trưởng không được để ở mức “quá thấp”, mà phải đạt được “mục tiêu cần thiết”, thì cũng phải đồng thời kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Theo Thủ tướng ngưỡng 4% là rất quan trọng, bởi tăng trưởng mà để lạm phát quá cao thì “không còn ý nghĩa”.