Chưa có phản ảnh chi trả sai đối tượng

Chiều 4/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp về việc thực hiện Nghị Quyết 42 và Quyết định số 1757 của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, toàn thành phố có 414.922 đối tượng thuộc diện người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo cần trợ cấp với tổng kinh phí là 505,6 tỷ đồng.

Ngay khi thành phố ban hành Quyết định ngày 27/4, tất cả các quận, huyện, thị xã đã triển khai ngay việc rà soát, lập danh sách, chi trả. Các quận huyện có nguồn lực đã bố trí giải ngân ngay; có nơi do vướng mắc nguồn lực đã vay vốn để chi trả ngay cho nguồi dân liên tục từ 27/4 đến hết 3/5.

Đến nay, các đơn vị sơ bộ đã chi trả 271.479 người, đạt 65,4%. Trong quá trình triển khai, nhiều quận, huyện đã rất tích cực bố trí nguồn lực đảm bảo chi trả kịp thời. 5 quận, huyện chi trả đạt trên 95% là: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoài Đức và Mê Linh… Sau khi các quận, huyện kết thúc chi trả, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác trên.

“Bước đầu sở chưa nhận được thông tin nào phản ánh về việc chi trả sai, không đúng đối tượng hay gây phiền hà, khó dễ cho người dân”, bà Nhàn nói.

Biểu dương lãnh đạo kho bạc, quận, huyện, phường xã… đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhìn nhận, các chính sách cụ thể triển khai đúng mục tiêu sẽ củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP. Hà Nội (Ảnh: Công Thọ)
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP. Hà Nội (Ảnh: Công Thọ)

Không để dịch chồng dịch

Kết luận phiên họp, ông Chung điểm qua tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và đưa ra nhận định, dịch bệnh mang lại “thách thức chưa từng có về mọi mặt” với nhiều quốc gia, từ vấn đề nhân đạo cho đến chính sách, cấu trúc xã hội, kinh tế.

Dẫn chứng thực tế Singapore đã làm tốt trong giai đoạn 1 giúp đỉnh dịch xuống thấp, giai đoạn 2 nới lỏng đã bùng phát, ông Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục cảnh giác cao độ, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trở thành thói quen tại gia đình, nới làm việc, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng và không tụ tập đông người khi không cần thiết…

Đối với các trường hợp bất thường như ho, sốt, đau họng, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cách ly và xét nghiệm kịp thời. Tuy nhiên, với trường hợp công nhân bị sốt xuất huyết tại huyện Gia Lâm, huyện tuyên bố cách ly 600 người dân, ông Chung lưu ý huyện phải báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố trước khi quyết định.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các quận, huyện, ngoài dịch Covid-19, chuẩn bị công tác phòng ngừa dịch sốt xuất huyết, bao gồm tuyên truyền, tổ chức vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn, “phấn đấu không để dịch chồng dịch”.

Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa, ổ dịch Hạ Lôi và Đông Cứu sẽ hết thời gian cách ly nhưng Chủ tịch Hà Nội dự báo, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên các quận huyện phường xã cần phải duy trì phòng chống dịch.
Mặt khác, ông Chung cũng yêu cầu thời gian tới Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sẽ chỉ họp 3-4 ngày một lần “để tập trung chăm lo cho sản xuất, đời sống…”. Ông yêu cầu các huyện có địa bàn sản xuất nông nghiệp nhiều cần tăng cường chỉ đạo người dân cần tăng cường trồng rau củ quả, chăn nuôi; khuyến khích người dân cách thức chăn nuôi để có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn.