Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành. |
Luật Hải quan đã cho phép ngân hàng thương mại được bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thưa ông, có nhất thiết phải thêm một văn bản quy phạm pháp luật về bảo lãnh thông quan nữa không?
Ngân hàng thương mại chỉ được bảo lãnh thông quan hoặc giải phóng hàng đối với các khoản thuế hoặc tiền xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) đối với hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan, nhưng doanh nghiệp vì lý do nào đó còn nợ ngân sách nhà nước. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuế cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng không hấp dẫn doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong việc tổ chức bảo lãnh thông quan hoặc giải phóng hàng, cần phải mở rộng đối tượng được cấp bảo lãnh nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
Quan trọng hơn, trong xuất nhập khẩu, có rất nhiều hoạt động chưa được tổ chức nào đứng ra bảo lãnh, do chưa có cơ chế như hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, nhưng chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn phải có kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan…
Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến năm 2021, sẽ áp dụng thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu dưới 36 giờ và nhập khẩu dưới 41 giờ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng lợi gì khi mở rộng đối tượng và phạm vi bảo lãnh thông quan?
Như tôi nói, doanh nghiệp không mặn mà với dịch vụ bảo lãnh thông quan của ngân hàng vì phí bảo lãnh khá cao, thường được ngân hàng tính bằng lãi suất cho vay theo ngày. Quy trình, thủ tục để được ngân hàng cấp bảo lãnh khá phức tạp, thậm chí, doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm mới được ngân hàng bảo lãnh.
Trong khi đó, nếu được công ty bảo hiểm đứng ra bảo lãnh thông quan hoặc giải phóng hàng, doanh nghiệp chỉ phải trả phí bảo hiểm với chi phí thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa, chức năng của bảo hiểm là kinh doanh rủi ro, nên có nhiều kinh nghiệm trong việc thu thập, phân tích thông tin, đánh giá về khách hàng và lô hàng trước khi ký hợp đồng bảo lãnh.
Với những loại hàng hóa nhập khẩu không phải kiểm tra chuyên ngành và được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì sao, thưa ông?
Muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA, hàng hóa nhập khẩu phải có chứng nhận xuất xứ. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các quy định pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp được chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong một thời gian nhất định, nếu tại thời điểm làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhưng hàng hóa phải tính thuế nhập khẩu theo mức thuế suất ưu đãi.
Đồng thời, khi doanh nghiệp có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thì phải sửa đổi, bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, ký kết FTA với Việt Nam. Điều này làm phát sinh thủ tục hành chính do phải khai bổ sung, hoàn thuế, làm chậm vòng quay vốn của doanh nghiệp, lãng phí thời gian, nhân lực của cả cơ quan quản lý thuế (thuế, hải quan) lẫn doanh nghiệp.
Khi có nghi ngờ về tính xác thực của chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan bắt buộc phải xác minh. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hải quan do thời gian xác minh kéo dài.
Tất cả những vướng mắc trên sẽ được giải quyết khi doanh nghiệp được công ty bảo hiểm đứng ra bảo lãnh thông quan hoặc giải phóng hàng.
Có thể lượng hóa chi phí tiết kiệm được nhờ thực hiện bảo lãnh thông quan, thưa ông?
Bảo lãnh thông quan có thể được xem là một trong những công cụ hữu ích để tạo thuận lợi thương mại và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ở các nước đang áp dụng bảo lãnh thông quan, theo tính toán, công cụ này giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước giúp giảm chi phí từ 0,1 đến 0,5% giá trị lô hàng; giảm thời gian thông quan hàng hóa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp từ 0,5 – 0,8% giá trị lô hàng; giúp tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, bảo lãnh thông quan còn đem lại nhiều lợi ích khác không thể lượng hóa được như góp phần phát triển thị trường bảo hiểm; đẩy nhanh quá trình sản xuất, đưa hàng hóa vào lưu thông, giúp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa…
Trong giai đoạn thí điểm, dự kiến sẽ áp dụng bảo lãnh thông quan với những hoạt động nào?
Hàng hóa xuất nhập khẩu có nguy cơ rủi ro cao cần áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan để thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí từ hoạt động xuất nhập khẩu vào ngân sách nhà nước và đảm bảo thực hiện các chính sách kiểm tra chuyên ngành, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại hoặc tự ý đưa hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan vào tiêu thụ, sản xuất khi chưa được thông quan.
Ngoài ra, các lĩnh vực cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thông quan, giải phóng hàng nhanh hoặc giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cũng được bảo lãnh thông quan.