Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hiện các địa phương đang tích cực tái đàn. “Theo tính toán của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thống kê, đến quý III, IV năm nay, lượng thịt heo cung cấp ra thị trường sẽ tương đương năm 2018, là năm có sản lượng thịt cao nhất từ trước đến nay (hơn 3,8 triệu tấn heo hơi). Còn hiện tại, đàn heo và sản lượng thịt chưa bảo đảm cung cấp do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi hồi giữa năm 2019, các trại không cho heo phối giống dẫn đến thiếu hụt heo thịt thương phẩm một năm sau” – ông Tiến giải thích. Theo ông Tiến, Việt Nam khống chế dịch tả heo châu Phi trong 11 tháng, nhanh hơn Trung Quốc (17 tháng) và dự kiến tăng đàn sau 1 năm, trong khi các nước phải mất 2-3 năm.
Hơn 90% đàn heo tại tỉnh Đồng Nai được nuôi tại trang trại
Về thịt heo nhập khẩu, ông Tiến khẳng định chất lượng thịt rất tốt do nguồn nhập từ các nước có nền chăn nuôi phát triển, được kiểm soát theo chuỗi, thịt được kiểm tra kỹ trước và sau khi nhập khẩu nên số người sử dụng thịt nhập khẩu ngày càng tăng lên. “Việc nhập khẩu thịt heo là để điều tiết cung cầu, hài hòa lợi ích người chăn nuôi, phân phối, người tiêu dùng và không làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như Thủ tướng đã chỉ đạo” – ông Tiến khẳng định.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 4, đàn heo của tỉnh là 2,031 triệu con, giảm 19,41% so với thời điểm trước lúc xảy ra dịch tả heo châu Phi. Trong đó, đàn heo của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 53,42%, các doanh nghiệp trong nước chiếm 3,21%, còn lại 43,37% là đàn heo của các hộ cá thể (bao gồm cả trang trại và nhỏ lẻ). Đáng chú ý, hiện nay tỉ lệ chăn nuôi trang trại tại Đồng Nai chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn, với khoảng 6.150 hộ chăn nuôi.