Ngày 10-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 trong chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016-2025 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030.

Được vay 80% cũng khó mua nhà

Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), cho hay từ năm 2006 đến nay, tại các KCX-KCN có 16 công trình đáp ứng 21.000 chỗ ở, tương ứng 15% nhu cầu. Kết quả khảo sát tại 212 doanh nghiệp với 96.500 lao động cho thấy nhu cầu thuê nhà ở xã hội là 51.700 người, nhu cầu mua nhà ở xã hội là 29.000 người…

Cũng theo ông Phạm Thanh Trực, quá trình triển khai nhà lưu trú công nhân phát sinh nhiều bất cập, hầu hết các KCN diện tích cho thuê gần hết nên không còn đất dành cho công trình lưu trú, tiện ích xã hội. Trong khi đó, nơi còn đất thì quá trình điều chỉnh quy hoạch đối với dự án lưu trú công nhân kéo dài, vướng nhiều thủ tục phức tạp.

Nói về mức giá, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng nhà ở xã hội dù dưới 1 tỉ đồng vẫn ngoài tầm với đối với người thu nhập thấp. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70%-80% giá trị căn hộ, tức một căn hộ giá 1 tỉ đồng thì người mua phải có ít nhất 200 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này với người thu nhập thấp, người nghèo thì vô cùng khó khăn. Những căn nhà từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng đã rất rẻ mà vẫn khó tiếp cận những đối tượng này. “Vì vậy, về lâu dài nên cung ứng nhà ở xã hội theo hình thức thuê, thuê mua thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu cứ giữ mãi tư duy nhất định phải sở hữu một căn nhà ở xã hội thì rất khó khăn để giải quyết” – ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, đề xuất có cơ chế sử dụng đất công, mời gọi nhà đầu tư và có nguồn hỗ trợ vốn vay để kết hợp nguồn tài chính Công đoàn. Ông khẳng định LĐLĐ thành phố mong muốn tạo ra nhiều chỗ ở nhất có thể cho người lao động.

Nên thay đổi cách nghĩ về nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở cho công nhân thuê ở TP Thủ Đức, TP HCM

Người lao động ít có nhu cầu sở hữu nhà

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho hay hiện thành phố có khoảng 60.000 công trình nhà trọ với khoảng 500.000 phòng, đáp ứng cho hơn 1,4 triệu công nhân thuê. Qua khảo sát, phần lớn những người này không có nhu cầu sở hữu nhà ở bởi di chuyển và biến động công việc liên tục nên chọn ở trọ cho linh hoạt, trong khi chính sách hiện nay đi theo hướng xây dựng nhà ở xã hội, lưu trú công nhân, sau đó chuyển sở hữu luôn cho công nhân, người lao động.

“Qua thống kê, phần lớn những người này không có nhu cầu sở hữu nhà ở. Do đó, cần định hướng lại trong tương lai những người thu nhập thấp là để cho thuê chứ không phải đối tượng để bán nhà ở xã hội” – ông Huỳnh Thanh Khiết nói.

Về nguồn vốn, theo ông Khiết, có những trường hợp tổ chức chính trị – xã hội như LĐLĐ TP HCM có nguồn lực, kinh phí nhưng hiện giờ không có quy định giao đất công cho tổ chức làm nhà lưu trú công nhân. Ngoài ra, dù có xây lên cũng không giao cho tổ chức này quản lý vận hành được. Do đó, Sở Xây dựng sẽ làm chuyên đề riêng về vấn đề này nhằm tìm lối ra và báo cáo UBND TP HCM.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhận xét thành phố vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp khả năng chi trả. Ông đề nghị Sở Xây dựng lưu ý chương trình phát triển nhà ở gắn với chỉnh trang đô thị. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn và kiến nghị trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, 16 chung cư cấp D; phát triển nhà ở xã hội.

Đề cập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, ông Bùi Xuân Cường nhận xét các dự án bị tắc ở khâu này đầu tiên. Trong đó, dự án nhà ở xã hội chỉ tiêu quy hoạch được tăng 1,5 lần nhưng do vướng ở điểm “không phù hợp quy hoạch”, chưa được điều chỉnh quy hoạch phân khu nên không qua được bước “chấp thuận đầu tư”.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất liên quan tới thủ tục chấp thuận đầu tư. “Sẽ có cuộc họp chuyên đề để tìm ra cách thức phối hợp giữa các sở, ngành như thế nào, lấy ý kiến những gì trong quá trình thực hiện để bảo đảm thời gian, nội dung thực hiện chủ trương đầu tư” – ông Bùi Xuân Cường nói. 

Nghiên cứu chính sách mua, thuê nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 10-3 đã nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, trong đó cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội. Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền để mua nhà, thuê nhà… với mức lãi suất thấp. Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình triển khai đề án cần phân định rõ trách nhiệm của nhà nước (trung ương, địa phương) làm gì, khu vực tư nhân làm gì; đồng thời có tiêu chí xác định dự án sử dụng vốn đầu tư công, hợp tác công – tư và xã hội hóa.

T.Dũng

Đến năm 2025 sẽ thêm 35.000 căn nhà

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 thì các năm từ 2021 đến 2025, dự kiến nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 15,5 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 21,4 triệu m2 sàn.

Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 58.000 căn nhà.