Hồi Tết Nhâm Dần 2022, lãnh đạo TP HCM đã nói Tết đó phải là Tết tri ân, bởi thành phố cũng như mỗi người dân phải cảm ơn bằng tất cả tấm lòng đến những lực lượng chung tay phòng chống dịch COVID-19.

Không cảm ơn sao được khi thành phố “bị bệnh” thì cả nước cùng thăm hỏi, sẻ chia. Không cảm ơn sao được khi lực lượng quân đội và đội ngũ y tế từ khắp nơi xông pha vào tâm dịch, làm cả những việc trước giờ lạ lẫm như thồ hàng cứu trợ, đi chợ hộ, thăm khám, xét nghiệm tại cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Không cảm ơn sao được khi người dân thành phố đã san sẻ nhau từng gói mì, nắm rau, lon gạo để vững chí vượt qua những ngày tháng khó khăn…

Nhưng người ở thành phố này còn có biết bao điều để cảm ơn nhau, không phải chỉ trong và sau đợt dịch. “Người Sài Gòn tử tế”, “Sài Gòn lạ lắm à nghen!”, “Người Sài Gòn ưa việc thiện”… là những cách diễn đạt về tinh thần phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có khó khăn. “Cơm 2.000 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Trà đá miễn phí”, “Chuyến xe yêu thương”, “Giọt máu nghĩa tình”… là những “đặc sản” của Sài Gòn – TP HCM.

Ngay chính chúng ta không hiếm lần được giúp đỡ một việc bất kỳ trên đường như giúp đẩy xe để đi đổ xăng, giúp dắt xe qua chỗ ngập, được một “Lục Vân Tiên” ra tay lấy lại món đồ bị cướp giật… Bao nhiêu đó sao mà không cảm ơn cho được.

Xã hội cảm ơn có thể hiểu là một xã hội mà ở đó lòng nhân ái là dòng chảy chủ lưu. Và, chúng ta nên thường xuyên nói tiếng “cảm ơn” hơn với mọi người. Điều này không chỉ thể hiện mình là người văn minh, là người biết cảm nhận và trân trọng lòng tốt của người khác… mà còn làm lan tỏa tinh thần đó xa hơn, cao hơn…