Covid-19 đã tác động rất lớn đến số đông người dân, nhất là người lao động nghèo. Đó là lúc cộng đồng cần chung tay với nhà nước để không ai bị bỏ lại. Vì lẽ đó, ngày 17-4, cũng là ngày thứ 17 của 3 tuần cách ly toàn xã hội, Báo Người Lao Động quyết định tổ chức “ATM thực phẩm miễn phí” đặt tại trụ sở chính (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM).
Hàng ngàn túi quà đầy ắp
Với mong muốn người nghèo có được bữa ăn đủ chất hơn, phù hợp với khuyến nghị y khoa trong lúc dịch bệnh hoành hành, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát triển ý tưởng “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh thành “ATM thực phẩm miễn phí”, với chiếc máy ATM nhả ra những chiếc hộp được Công ty Adam (Tân Bình) tài trợ. Ngoài 1 kg gạo, suất quà còn có thêm 1 vỉ trứng 6 quả hoặc 1-2 gói xúc xích, mỗi ngày phát 300 suất.
Người khó khăn nhận quà tại “ATM thực phẩm miễn phí” do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kho thực phẩm “dã chiến” ngay tại trụ sở Báo Người Lao Động đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn mong đợi. Sau vài ngày phát quà, chúng tôi đã có thể mạnh tay tăng mỗi suất gạo lên 2 kg; quà đi kèm lần lượt có thêm mì gói, đồ hộp, nước tương, dầu ăn, hạt nêm, cháo… “Nhiều thế này thì cả tuần bà khỏi đi xin gạo nữa, cháu ơi” – cụ Trần Thị Lệ (70 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) bất ngờ khi quay lại ATM thực phẩm sau vài ngày và phát hiện phần quà đã gấp đôi. Vợ chồng bà đã lớn tuổi, trước có bán cà phê cóc sống qua ngày nhưng quán đã dẹp trong mùa dịch.
Ngoài ra, nhiều phần quà đã được phát tận tay thêm một số phần cho người khuyết tật, các cụ cao niên, có bệnh, phụ nữ mang thai…, đưa số quà thực trao đi mỗi ngày lên đến 400-550 suất, số tổng sau 12,5 ngày đã hơn 5.000 suất, chỉ riêng ở “tổng hành dinh”. Hàng ngàn suất quà khác cũng đến tay người dân từ ATM số 2 đặt tại quận 12, TP HCM (khai trương ngày 22-4) và ATM số 3 đặt tại Văn phòng đại diện Hà Nội của Báo Người Lao Động (16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, khai trương ngày 26-4).
Không từ chối ai
Một điểm đặc biệt của “ATM thực phẩm miễn phí” của Báo Người Lao Động là người trẻ, ăn mặc lịch sự vẫn được tiếp đón, miễn là xếp vào hàng. Ủng hộ quan điểm này, bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên (chuyên khoa tâm thần kinh, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1) – nhà hảo tâm đã đóng góp hàng chục thùng mì cho “ATM thực phẩm” – chia sẻ: “Với những người có thu nhập tương đối cao, dịch Covid-19 cũng đủ gây rắc rối vì giảm nguồn thu. Với người thu nhập thấp, đó là vấn đề lớn. Nhiều người đang rất căng thẳng, rất lo âu vì ngày thường nhiều khi đã phải “giật gấu vá vai”, mất việc vài tuần với họ thực sự là cùng đường, vì họ vẫn cần ăn, cần trả tiền thuê nhà, cần nuôi con nhỏ. Do đó, tôi rất ủng hộ việc giúp đỡ những người trong độ tuổi lao động bởi không phải họ không muốn làm việc, mà họ đang mất việc”.
Ba cây “ATM thực phẩm miễn phí” dừng hoạt động vào ngày 29-4, sau 1 ngày vé số ở TP HCM được bán lại và đa số các dịch vụ đã được mở cửa. Trong vài ngày qua, chúng tôi đã nhận được lời cảm ơn kèm lời chào tạm biệt của nhiều người dân khó khăn. “Tôi đã xin được việc rửa chén ở một quán ăn, 2 ngày nữa bắt đầu làm. Ba lần đi nhận thực phẩm tại Báo Người Lao Động, có 2 lần người trao là 2 anh bảo vệ tóc bạc nhiều hơn cả tôi. Họ làm việc, họ đi tình nguyện để giúp tôi, vì vậy tôi phải cố làm việc chứ. Ân tình này lớn quá rồi!” – bà Nguyễn Thị An (55 tuổi, huyện Nhà Bè) nói khi đến nhận suất quà chiều 28-4.
Hãy còn nhiều tấn gạo và một số thực phẩm đang chất cao tại trụ sở Báo Người Lao Động. Trong thời gian qua, nhiều địa chỉ đã âm thầm được lên danh sách, với sự phối hợp của các địa phương. Số thực phẩm còn lại này sẽ được trao tận tay người nghèo, người bệnh, trẻ em mồ côi… vẫn đang sống những ngày khó khăn ở nhiều miền đất nước. Đầu tiên là 141 người đang sống dựa vào nhau ở “xóm chạy thận” ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), hay một số mái ấm tình thương ở TP HCM…
Ông TRẦN HỮU PHƯỚC, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM:
Một chương trình ý nghĩa, thiết thực
“ATM thực phẩm miễn phí” của Báo Người Lao Động là một chương trình rất ý nghĩa, thiết thực; kịp thời hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chương trình còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong việc cùng Chính phủ, TP HCM và cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Cũng qua chương trình, lòng nhân ái, sự sẻ chia được nhân rộng trong cộng đồng khi mỗi ngày cây “ATM thực phẩm miễn phí” đón nhận thêm nhiều gạo, trứng, đồ hộp… đến từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tình người ấm áp trong đại dịch đã được lan tỏa thông qua “ATM thực phẩm miễn phí”. Tôi mong trong thời gian tới, Báo Người Lao Động tiếp tục có những sáng kiến, chương trình nhiều ý nghĩa như thế này.
Tính đến ngày 30-4, Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận số tiền, hàng là hơn 176,4 tỉ đồng của 6.742 đơn vị, cá nhân ủng hộ, trong đó ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 là 153,413 tỉ đồng; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn hơn 22,627 tỉ đồng.
P.Anh ghi
Những tấm lòng vàng
Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều nhà hảo tâm gồm: Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp): 2 tấn gạo; Công ty CP Gentraco TP Cần Thơ: 2 tấn gạo; Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (350/25 Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM): 9.000 quả trứng gà; NSND Lệ Thủy: 1 tấn gạo; Công ty Vissan: 500 phần quà gồm xúc xích và đồ hộp; Công ty TNHH TM-DV Thiết bị điện Hùng Vương (quận Thủ Đức, TP HCM): 1 tấn gạo; bà Caz White (quốc tịch Úc): 2 tấn gạo; anh Vương (Trưởng nhóm “Dấu chấm hỏi”): 1.133 chai nước tương, 2.700 gói hạt nêm Ajinomoto, 830 gói bột ngọt… Chương trình đã nhận được tổng cộng hơn 539 triệu đồng, 52 tấn gạo, 29.000 quả trứng, 1.000 thùng mì gói, gần 2.000 hộp thực phẩm, 157 thùng xúc xích… Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn!
Danh sách các nhà hảo tâm được đăng đầy đủ trên Báo Người Lao Động online.
Đ.Phượng – T.Huỳnh
Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt:
Có sức lan tỏa lớn
Khi TP HCM xuất hiện “ATM gạo” miễn phí đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng nên khi Báo Người Lao Động phát động thực hiện “ATM thực phẩm miễn phí” và kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức, chúng tôi nhận lời ngay. Cũng nhờ khâu tổ chức của báo bài bản, hiệu quả nên chương trình đã tạo được sức lan tỏa lớn. Từ “ATM thực phẩm miễn phí” của quý báo, rất nhiều đơn vị, tổ chức từ thiện đã bổ sung thêm các mặt hàng thực phẩm vào danh mục sản phẩm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Rất nhiều nơi đã liên hệ Công ty Vĩnh Thành Đạt mua trứng với giá hỗ trợ để sử dụng vào mục đích từ thiện, dĩ nhiên công ty sẵn sàng đáp ứng.
Bà TRẦN THỊ MỸ VÂN, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam:
San sẻ yêu thương
Đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ với nhiều diễn tiến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của rất nhiều người, nhiều nhà. Không ít hoàn cảnh rơi vào khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chưa kể những gia đình nghèo, gia đình neo đơn lâu nay vẫn cần sự hỗ trợ. Hiểu được thực tế đó nên chúng tôi rất đồng cảm với ý tưởng của Báo Người Lao Động: làm sao giúp đỡ những hoàn cảnh không may, những người lao động bị giảm thu nhập, người tàn tật, cơ nhỡ, mang đến cho họ những bữa ăn vừa miệng. Một số doanh nghiệp (DN) quyên góp gạo, DN khác góp trứng, xúc xích, đồ hộp…, riêng Acecook Việt Nam đã gửi đến chương trình 450 thùng sản phẩm mì gói và phở ăn liền của công ty.
Chúng tôi rất xúc động trước hình ảnh bà con xếp hàng trật tự và vui sướng khi nhận được quà. Qua đây, công ty cũng gửi lời cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức một chương trình hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện cho Acecook Việt Nam cũng như các DN khác được chung tay góp sức, san sẻ yêu thương đến cộng đồng.
T.Nhân ghi