Nhà lãnh đạo Myanmar đã ca ngợi phản ứng của Việt Nam – đất nước “láng giềng” ASEAN – đã đối phó rất tốt trước đại dịch thông qua hành động nhanh chóng và quyết đoán với chi phí thấp, sử dụng hiệu quả các cơ chế chính phủ hiện có và cũng như ý thức công dân tốt.
Trong một cuộc nói chuyện với người Chin hôm 24-4, bà Aung San Suu Kyi nói rằng thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn căn bệnh này xứng đáng nhận được sự khen ngợi.
“Tại Việt Nam, tất cả các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 đều rất hiệu quả” – bà nói.
Bà Aung San Suu Kyi – cố vấn nhà nước Myanmar. Ảnh: Aung Khant/The Myanmar Times
Tính đến ngày 28-4, Việt Nam có 270 ca nhiễm, không có ca tử vong và 225 ca đã phục hồi, theo dữ liệu của Trung tâm tài nguyên về dịch Covid-19 thuộc Đại học Johns Hopkins công bố. Việt Nam phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23-1.
Ông Sean Fleming, một biên tập viên cao cấp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Geneva, lưu ý rằng việc có bộ máy quân sự và an ninh được tổ chức tốt đã giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra những quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
“Ngoài ra, người dân Việt Nam còn có một nền văn hóa giám sát mạnh mẽ. Chưa kể bất cứ ai chia sẻ tin tức giả và thông tin sai lệch về dịch Covid-19 có nguy cơ bị cảnh sát ghé thăm và cho đến nay đã có khoảng 800 người đã bị phạt” – ông Sean Fleming đã viết trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới như vậy.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM vắng vẻ trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Vietcetera
Myanmar cũng đang áp dụng mục tiêu phong tỏa các tòa nhà và đường phố, thị trấn cũng như làng mạc – nếu phát hiện có trường hợp nhiễm dịch Covid-19. Đất nước này cũng nhanh chóng đi tìm dấu vết của những người tiếp xúc với người bị nhiễm dịch và nhanh chóng đưa họ vào các cơ sở kiểm dịch.
Tổng cục quản lý hành chính của chính phủ cùng với sự kiểm soát của quân đội, hiện diện ở mọi đường phố và làng mạc trong cả nước.
Cho đến nay, chiến lược này dường như có hiệu quả, vì tính đến ngày 28-4,. Myanmar chỉ có 146 ca nhiễm, 5 ca tử vong, 16 ca hồi phục.
Vào ngày 25-4, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố thành lập Ban chỉ đạo tình nguyện quốc gia, nhằm mục đích khơi gợi ý thức cộng đồng của người dân. Đứng đầu Ban chỉ đạo là bà cố vấn Nhà nước, sẽ giúp Bộ Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.