Với 270 ca Covid-19 được xác nhận và không trường hợp tử vong nào, Việt Nam đang trên đường nối lại hoạt động kinh tế sớm hơn hầu hết nước khác.
Để so sánh, Philippines, một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hiện có số ca nhiễm cao hơn gần 30 lần so với Việt Nam và số trường hợp tử vong là hơn 500.
Một số chuyên gia y tế công cho biết lý do Việt Nam thành công là có những động thái sớm, mang tính quyết định về việc hạn chế nhập cảnh, đưa hàng chục ngàn người đi cách ly, nhanh chóng mở rộng quy mô xét nghiệm và hệ thống giám sát những có thể đã phơi nhiễm với virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2).
Một trạm xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại Hà Nội hôm 31-3. Ảnh: Reuters
“Những bước đi như thế mô tả thì dễ nhưng khó thực thi. Vậy mà Việt Nam đã thực hiện chúng rất thành công” – ông Matthew Moore, một quan chức Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) làm việc tại Hà Nội, đánh giá.
Theo ông Moore, CDC “rất tin tưởng” và khả năng ứng phó của chính phủ Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Vào cuối tháng 1, các công ty có kinh nghiệm về xét nghiệm y tế nhận được yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp sau khi 2 trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, trong đó có Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Công ty này và Học viện Quân y sau đó đã phối hợp nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19.
Ngoài ra, Việt Nam đã tăng số lượng phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ con số 3 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay lên 112 vào tháng 4.
Tính đến ngày 29-4, đã có 213.743 cuộc xét nghiệm được tiến hành tại Việt Nam, theo dữ liệu Bộ Y tế. Với 791 cuộc xét nghiệm trên mỗi một ca Covid-19, đây là tỉ lệ cao nhất thế giới hiện nay, theo thống kê của Reuters. Đứng thứ 2 là Đài Loan với 140 cuộc xét nghiệm trên mỗi một ca Covid-19.
Người nghi nhiễm Covid-19 rời khỏi một bệnh viện ở Hà Nội hôm 2-4 sau khi được cách ly 14 ngày. Ảnh: Reuters
Ông Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm làm việc tại Hà Nội, nhận định toàn bộ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đều được điều trị tốt tại các cơ sở y tế.
Theo ông Pollack, có thể so sánh nỗ lực của Việt Nam với Hàn Quốc, một quốc gia cũng tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng và có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức thấp, khoảng 2%.
Trong khi đó, bà Krutika Kuppalli, chuyên gia tại Trung tâm Johns Hopkins về an ninh sức khỏe (Mỹ) đánh giá Việt Nam đã ứng phó tốt với dịch Covid-19 thông qua nỗ lực xét nghiệm, các biện pháp cô lập và cách ly.
Một trong những động thái được đánh giá cao là chính phủ Việt Nam bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng kể từ giữa tháng 3, đi trước hầu hết các nước khác. Khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ mới khuyến cáo chỉ những người có triệu chứng giống Covid-19 mới nên đeo khẩu trang.
Ngoài ra, cuộc chiến này còn được giúp sức bởi sự hợp tác của người dân vốn chưa quên những dịch bệnh bùng phát trong quá khứ.